Thị trường

Giá dầu và kim loại cùng tăng

Lam Giang 13/08/2024 - 08:30

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lực mua tiếp tục áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới ngày giao dịch đầu tuần (12-8). Trong đó, giá dầu và kim loại cùng tăng khi Trung Đông “nóng lên”.

Nhóm năng lượng dẫn dắt xu hướng toàn thị trường khi cả 5 mặt hàng đồng loạt tăng giá. Thị trường dầu vẫn giữ “sức nóng” trong bối cảnh nguy cơ xung đột quân sự tại Trung Đông tăng. Bên cạnh đó, dòng tiền cũng chảy mạnh vào kênh trú ẩn an toàn, thúc đẩy đà tăng của các mặt hàng kim loại quý. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng thêm 0,86% lên 2.130 điểm.

13.8-nl.png
Bảng giá năng lượng ngày 12-8. Nguồn: MXV

Giá dầu thế giới nối dài đà tăng bất chấp việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu 2024. Sức nóng tại khu vực Trung Đông quay lại tạo đà thúc đẩy giá. Kết phiên, giá dầu WTI tăng 4,19% lên mức 80,06 USD/thùng, dầu thô Brent tăng 3,31% đạt 82,3 USD/thùng.

Bên cạnh đó, Bộ Năng lượng Mỹ tiếp tục cho biết họ đang tìm mua thêm 6 triệu thùng dầu thô để lấp đầy kho dự trữ chiến lược. Cho đến nay, Mỹ đã bổ sung 43 triệu thùng dầu vào kho dự trữ, những động thái liên tiếp từ Bộ Năng lượng cũng phần nào thúc đẩy đà tăng đối với giá.

13.8-kl.png
Bảng giá kim loại ngày 12-8. Nguồn: MXV

Sau tuần giao dịch đỏ lửa, thị trường kim loại đã bắt đầu tuần mới với phiên giao dịch khởi sắc khi có tới 9/10 mặt hàng tăng giá.

Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc, bạch kim đồng loạt phục hồi và tăng trên 1,5%, đóng cửa lần lượt lại mức 28 USD/ounce và 946,6 USD/ounce.

Trong phiên hôm qua, dòng tiền chảy mạnh vào kênh đầu tư trú ẩn an toàn khi xung đột Trung Đông tiềm ẩn nguy cơ leo thang.

Thêm vào yếu tố hỗ trợ, giá kim loại quý cũng được hưởng lợi trong bối cảnh thị trường vẫn đang lạc quan về triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nhất là khi lạm phát tại Mỹ được kỳ vọng tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 7.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tiếp đà tăng từ cuối tuần trước với mức tăng gần 2% lên 8.969 USD/tấn.

Trong diễn biến khác, giá quặng sắt lại đi ngược chiều cả nhóm kim loại khi ghi nhận mức giảm 1,76% về 99,31 USD/tấn. Triển vọng tiêu thụ kém tại Trung Quốc vẫn đang gây sức ép lên giá quặng sắt, đặc biệt là khi áp lực cắt giảm sản lượng tại các nhà máy thép ngày càng tăng.