Bắt đầu đáp trả
Sau hai tháng mới đáp trả thì có phần muộn nhưng rồi Trung Quốc cũng đã bắt đầu “phản công” việc bị Liên minh châu Âu (EU) áp thuế quan bảo hộ mậu dịch (lên tới 38%) đối với xe điện được sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc để rồi xuất khẩu vào thị trường EU.
Ngày 9-8 vừa qua, Trung Quốc đã chính thức khiếu nại EU lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về biện pháp chính sách nói trên của EU. Trung Quốc mới chỉ khiếu nại chứ chưa khởi kiện EU.
Lôi kéo WTO vào cuộc như thế sẽ mang lại ngay cho Trung Quốc hai cái lợi trực tiếp.
Cái lợi thứ nhất là Trung Quốc buộc WTO phải thể hiện quan điểm và thái độ, cũng có nghĩa là biến chuyện song phương giữa Trung Quốc và EU thành chuyện của cả WTO. Tại WTO, những lập luận của Trung Quốc cho rằng, EU đã thực thi bảo hộ thương mại, tức là vi phạm nguyên tắc cơ bản của WTO về tự do thương mại. Đồng thời, gây cản trở, tổn hại cho công cuộc bảo vệ khí hậu trái đất vốn cũng đã được nhìn nhận là trách nhiệm của WTO. Đó là những lý do rất nặng ký khiến WTO khó có thể phản bác. WTO chỉ có thể đứng về phía Trung Quốc và sau khi có được sự hậu thuẫn của WTO, Trung Quốc có thể dễ dàng gia tăng áp lực đối với EU. Từ đó, buộc EU phải hủy bỏ những biện pháp chính sách áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với xe điện của Trung Quốc.
Cái lợi thứ hai đối với Trung Quốc là sẽ có được "danh chính, ngôn thuận" cho việc sau này trả đũa EU bằng biện pháp, chính sách tương tự, tức là cũng áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với sản phẩm nào đấy của EU xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Thông qua WTO, Trung Quốc muốn thế giới nhận thấy EU thực thi bảo hộ mậu dịch trước. Thông điệp ngầm của Trung Quốc ở việc khiếu nại này là Trung Quốc nỗ lực hóa giải và thiện chí dàn xếp với EU chứ còn “ăn miếng trả miếng” EU chỉ là chuyện bất đắc dĩ đối với Trung Quốc.
Vì WTO thường cần nhiều thời gian để xử lý kiện tụng và khiếu nại giữa các thành viên nên chắc chắn Trung Quốc sẽ không chờ đợi đến khi WTO xử lý xong khiếu nại của mình rồi mới có bước đi tiếp trong việc giải quyết bất hòa này với EU. Sau đây, Trung Quốc sẽ nhanh chóng tấn công vào những sản phẩm khác của EU xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc như EU vừa tấn công nhằm vào xe điện của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường EU.
Cuộc chơi giữa Trung Quốc và EU là xung khắc thương mại đồng thời trên nhiều phương diện và khía cạnh khác nhau để rồi tiến tới nhượng bộ và thỏa hiệp cả gói với nhau. Hai bên đều có nhu cầu giữ thể diện và bảo tồn lợi ích cơ bản, đều chịu sức ép lớn bởi tính nhạy cảm về đối nội của mối bất hòa nên sẽ chỉ đi vào thỏa hiệp khi cả hai đều cũng nhượng bộ.
Nhìn nhận như thế sẽ thấy cuộc xung khắc thương mại giữa EU - Trung Quốc nói chung và trong chuyện liên quan đến xe điện của Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường EU nói riêng không thể có triển vọng được giải quyết ổn thỏa trong thời gian tới. Trái lại, nó sẽ còn trầm trọng thêm cả về mức độ lẫn phạm vi.
Nguyên cớ sâu xa hơn cả là cuộc ganh đua giữa EU và Trung Quốc về vai trò, vị thế và ảnh hưởng hàng đầu về kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao trên thế giới ngày nay. Trung Quốc không ngừng nỗ lực vươn lên hàng đầu, trong khi EU lo ngại bị tụt hậu so với Trung Quốc. Không cạnh tranh nổi với Trung Quốc về giá cả sản phẩm và năng suất lao động sản xuất thì EU phải bảo hộ thương mại. Cho nên, Trung Quốc cũng buộc phải “chiến đấu” đến cùng với EU.