Cải cách hành chính

Hà Nội hợp nhất 3 ban chỉ đạo về cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06:Một việc - một đầu mối xuyên suốt

Tiến Thành 13/08/2024 - 06:15

Thực hiện hợp nhất 3 ban chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 thành một ban chỉ đạo chung là bước đột phá lớn của thành phố Hà Nội, thể hiện “tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

mot-cua-1.jpg
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Ứng Hòa. Ảnh: Đỗ Tâm

Hiệu quả với “3 giảm, 3 tăng”

Cuối tháng 1-2024, thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện hợp nhất 3 ban chỉ đạo về cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 (Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố) thành một ban chỉ đạo chung.

Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, toàn bộ các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã thuộc thành phố đã hoàn thành việc hợp nhất. Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng khẳng định, các ban chỉ đạo sau khi hợp nhất, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ đã đi vào hoạt động mạnh mẽ, thực chất; công tác điều hành, chỉ đạo tập trung và xuyên suốt; các cuộc họp được tổ chức gọn, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đổi mới về hình thức.

Sau khi hợp nhất các ban chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết, các nhiệm vụ, kế hoạch, chương trình công tác thường xuyên được rà soát, phân công rõ ràng, không trùng lặp, chồng chéo; không còn hiện tượng bỏ sót, lọt, khó kiểm soát nhiệm vụ. Tất cả các nhiệm vụ gấp, khó được chia sẻ, bàn bạc và thống nhất về phương án, giải pháp, cách thức giải quyết để đạt hiệu quả tối đa; phát huy tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Trên cơ sở tổng thể hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, qua hơn 6 tháng triển khai, các nhiệm vụ, mục tiêu hợp nhất các ban chỉ đạo của thành phố đã cơ bản đạt được “3 giảm, 3 tăng”. Trong đó, “3 giảm” là giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công và các tiện ích xã hội; giảm nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giảm thủ tục hành chính. “3 tăng” là tăng chất lượng phục vụ; tăng công khai, minh bạch và tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội kiểm tra mô hình thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt tại quận Tây Hồ.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội kiểm tra mô hình thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt tại quận Tây Hồ.

Tiếp tục mở rộng mô hình

Từ hiệu quả của bước đột phá này, đã có nhiều đơn vị, địa phương trên cả nước học tập cách làm của Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung đánh giá, các mô hình đang được Hà Nội thực hiện, trong đó nổi bật là việc thành phố hợp nhất các ban chỉ đạo thành một Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06, đã tạo sự thống nhất và xuyên suốt về đầu mối chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Từ kinh nghiệm của Hà Nội, Kiên Giang đang tiến hành triển khai trên địa bàn nhằm thống nhất quản lý các ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, hỗ trợ lẫn nhau.

Cũng chính từ kinh nghiệm này, UBND thành phố Hà Nội đang tiến hành triển khai xây dựng Đề án thành lập cơ quan phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội. Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Võ Tuấn Anh cho biết, thành phố Hà Nội cùng với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh: Bình Dương, Quảng Ninh được Chính phủ giao xây dựng mô hình thí điểm trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND thành phố. Đây là cơ quan hành chính có chức năng tiếp nhận, giải quyết và kiểm soát, theo dõi, đánh giá thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn thành phố theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, thí điểm thực hiện từ tháng 9-2024 đến ngày 30-11-2025.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, luôn phải có sự thống nhất nhận thức trong hành động của cả hệ thống chính trị, từ người đứng đầu đến công chức, viên chức cơ sở và các tầng lớp nhân dân rằng đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của thành phố. Thành phố xác định cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, cơ hội để có thể “đi tắt đón đầu” xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Bên cạnh đó, việc thống nhất nhận thức còn giúp thành phố nhận diện rõ những tồn tại, nguy cơ, xử lý kịp thời điểm nghẽn. Từ đó giúp thành phố nâng cao khả năng dự báo nguy cơ, phân tích nguyên nhân tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục triệt để.

duc-long.jpg

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long:

Kinh nghiệm từ sự tiên phong

Từ sự tiên phong, các điển hình thành công của thành phố Hà Nội, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả hơn công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06. Trong đó, người đứng đầu các cấp cần tiên phong, gương mẫu, theo chức năng, nhiệm vụ; phải trực tiếp thực hiện, hiểu ra và từ đó mới có thể chỉ đạo thúc đẩy nhanh và thực hiện thành công công cuộc cải cách hành chính, chuyển đổi số ở đơn vị, địa phương mình; đồng thời thực hiện phương châm “rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả”.

Đặc biệt về chuyển đổi số, cần xác định rõ mục tiêu 70% công việc chuyển đổi số chủ yếu do các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Do đó, thành công của chuyển đổi số phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời chuyển đổi số cần phải tìm, lựa chọn một vấn đề thiết yếu, có tác động lan tỏa, giải quyết tồn tại, phục vụ người dân, từ đó tự tin mở rộng sang các lĩnh vực khác.

anh-quan.jpg

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân:

Hoàn thiện quy trình thực thi công vụ

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tiếp tục quán triệt tinh thần quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp theo phương châm tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong nội bộ. Bên cạnh đó, Sở cũng thực hiện tốt việc xây dựng, hoàn thiện quy trình hóa, cá thể hóa, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong phân công và thực thi công vụ; trong quy trình xử lý công việc nội bộ, quy trình giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân và tổ chức, doanh nghiệp.

Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn tồn tại tình trạng giải quyết hồ sơ còn chậm muộn; một số cán bộ, chuyên viên chưa có kinh nghiệm trong công tác tham mưu những dự án lớn, phức tạp, kéo dài qua các thời kỳ, quy định của pháp luật liên quan có nhiều thay đổi... Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành kiểm điểm tại đơn vị, các lãnh đạo sở trực tiếp phụ trách, cán bộ thụ lý hồ sơ. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Sở đã chỉ ra các bất cập để khắc phục những tồn tại, hạn chế.

tuan-long.jpg

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long:

Tạo lập môi trường hành chính thống nhất, hiện đại

Việc thành lập Trung tâm hành chính công “phi địa giới” UBND phường Trần Hưng Đạo trên nền tảng dữ liệu cải cách hành chính, chuyển đổi số kết hợp Đề án 06 rất thuận lợi. Quá trình triển khai ban đầu có thể còn có những trục trặc, nhưng chắc chắn sẽ được khắc phục và tiết giảm đáng kể số lao động hằng ngày trực tại bộ phận “một cửa”. Từ đó, nhân lực dôi dư sẽ được sắp xếp sang bộ phận khác hoặc giải quyết các công việc phù hợp hơn.

Trung tâm hành chính công “phi địa giới” còn tạo lập môi trường làm việc thống nhất, hiện đại, văn minh, tích hợp các nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồng bộ về ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó còn tiếp nhận trực tiếp, nhanh chóng, kịp thời sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố, UBND quận, cũng như xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất. Dự kiến, quận Hoàn Kiếm sẽ triển khai thêm 3 trung tâm giải quyết thủ tục hành chính “phi địa giới” nữa trong thời gian tới.

Mai Hữu ghi