Chủ động nâng cao cảnh giác
Tuần qua, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tiếp tục cảnh báo các hình thức mạo danh, lừa đảo mới trên không gian mạng. Lợi dụng sự hấp dẫn của Giải bóng đá ngoại hạng Anh, đối tượng lừa đảo lập các hội nhóm, trang tương tác trên mạng xã hội (fanpage) mời mua vé xem bóng đá với giá rẻ. Nạn nhân chuyển tiền đặt cọc và bị đối tượng chặn tài khoản, cắt liên lạc.
Tương tự, đối tượng xấu lập trang web giả mạo, fanpage, hội nhóm, tiếp cận với người có nhu cầu du lịch, nhóm sinh viên chuẩn bị nhập học, mời đặt khách sạn, nhà trọ giá rẻ… sau đó chiếm đoạt tiền đặt cọc của nạn nhân.
Lợi dụng Google Authenticator là ứng dụng bảo mật nhiều lớp nổi tiếng và đáng tin cậy khiến nhiều người chủ quan, đối tượng xấu đã lập trang web giả mạo, chèn quảng cáo có tài trợ để kết quả tìm kiếm được hiện lên đầu trang khi có người tra cứu thông tin. Khi vào web giả mạo, người dùng bị tấn công, đánh cắp thông tin và dữ liệu quan trọng.
Trước đó, nhiều cơ quan, đơn vị như thuế, bảo hiểm, điện lực, ngân hàng… thậm chí cả cơ quan công an đã cảnh báo về việc đối tượng mạo danh, liên hệ yêu cầu cài đặt ứng dụng, thông báo nợ... liên quan đến đường dây tội phạm, rồi dẫn dụ nạn nhân làm theo hướng dẫn để chiếm đoạt tiền. Nhiều người đã đến trình báo cơ quan chức năng bị lừa số tiền rất lớn khi nghe lời mời gọi đầu tư “lợi nhuận khủng”, “việc nhẹ, lương cao”…
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện có 3 nhóm lừa đảo chính trên không gian mạng là giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Trong năm 2023, gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến qua Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam; tổng số tiền người dân bị lừa đảo qua mạng khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng, trong đó 91% thông tin liên quan đến lĩnh vực tài chính.
Dù là hình thức hay thủ đoạn lừa đảo nào, điểm chung nhất mà các đối tượng sử dụng là đánh vào lòng tham (lợi nhuận cao, giá rẻ), lợi dụng sự chủ quan mất cảnh giác (giả mạo thương hiệu phổ biến, được tin tưởng hoặc giả mạo cơ quan chức năng) hoặc dọa nạt khiến nạn nhân lo sợ, làm theo. Vì thế, sự chủ động nâng cao ý thức cảnh giác của mỗi người là giải pháp phòng, tránh quan trọng nhất.
Sự chủ động bao gồm thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo về tội phạm mạng; chủ động cài đặt ứng dụng cảnh báo trên thiết bị di động (như ứng dụng nTrust vừa được Hiệp hội An ninh mạng quốc gia Việt Nam ra mắt) hay chủ động kiểm tra qua website do cơ quan chức năng lập như: tinnhiemmang.vn hay tracuutenmien.gov.vn. Nếu cảnh giác, người dùng sẽ không sập bẫy trước quảng cáo sản phẩm quá rẻ hoặc lợi nhuận quá cao; luôn thận trọng xác minh thông tin liên quan với cơ quan chức năng, không truy cập link, trang mạng lạ; kiểm tra kỹ trước khi giao dịch tài chính trên không gian mạng…
Liên quan đến tài khoản, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân, người dùng cần luôn có ý thức bảo mật, không cung cấp cho người lạ, không cung cấp trên không gian mạng; cài đặt bảo mật tài khoản mạng xã hội bằng xác thực 2 lớp và không chia sẻ thông tin bản thân, gia đình trên không gian mạng; kịp thời báo cho cơ quan chức năng khi nghi ngờ hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật. Việc cơ quan chức năng liên tục cập nhật, cảnh báo các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên mạng cũng rất quan trọng, giúp người dân nâng cao cảnh giác, kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi tương tác trên môi trường mạng.
Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, không gian mạng rộng lớn, đối tượng có thể từ nhiều nơi trên thế giới thực hiện hành vi phạm tội, chủ động nâng cao cảnh giác chính là "vắc xin" hữu hiệu để không trở thành nạn nhân của lừa đảo.