Rà soát “nhóm tiêu cực, lợi ích” khi sửa đổi Luật Dược
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tiếp tục rà soát “nhóm tiêu cực, lợi ích” để tiến hành điều chỉnh việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Sáng 12-8, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
“Tiền kiểm” kết hợp “hậu kiểm” trong quản lý quảng cáo thuốc
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về kinh doanh chuỗi nhà thuốc, tiếp thu ý kiến đại biểu, để phân biệt với hình thức kinh doanh nhượng quyền, làm rõ điều kiện hoạt động, cách thức vận hành của chuỗi nhà thuốc, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng chỉnh sửa khái niệm “chuỗi nhà thuốc” là “hệ thống các nhà thuốc hoạt động theo hệ thống quản lý chất lượng thống nhất dưới một nhãn hiệu của cùng một cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc”. Quy định cụ thể điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc và điều kiện đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc, nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc. Quy định cụ thể hơn trách nhiệm và quyền của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc và của nhà thuốc thuộc chuỗi.
Về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: Quy định cụ thể loại thuốc được bán lẻ và và các loại thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử; quy định trách nhiệm bảo mật thông tin của người mua và giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc và tổ chức việc giao thuốc đến người mua.
Dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể hơn về biện pháp quản lý giá về các biện pháp quản lý giá thuốc, đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở kinh doanh dược liên quan tới thực hiện các biện pháp quản lý giá thuốc; tiếp tục thực hiện cơ chế “tiền kiểm” kết hợp “hậu kiểm” trong quản lý hoạt động quảng cáo thuốc.
Về quản lý oxy y tế, tại báo cáo thẩm tra trình tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XV, Ủy ban Xã hội đã đề nghị không điều chỉnh sản phẩm oxy y tế tại dự thảo Luật do không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Dược. Trong khi đó, Bộ Y tế vẫn mong muốn đưa quy định về oxy y tế vào dự thảo Luật này.
Tiếp tục nhất quán với ý kiến đã nêu tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ sớm khắc phục khoảng trống pháp lý đối với sản phẩm này bằng cách ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật để quản lý oxy y tế và các sản phẩm khí khác dùng trong y tế.
Bảo đảm cơ sở pháp lý về quản lý oxy y tế
Thảo luận tại phiên họp về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thống nhất với quan điểm của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về oxy y tế.
Ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng có thể bổ sung nội dung vào điều khoản thi hành của Luật để có cơ sở pháp lý giao Chính phủ ban hành quy định về vấn đề này.
Về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, còn khoảng trống pháp lý về oxy y tế khi hệ thống văn bản dưới luật không đủ điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện vấn đề này. Bộ trưởng thống nhất quan điểm cho rằng nếu đưa nội dung này vào Luật Dược sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý để giao Chính phủ tổ chức thực hiện.
Đồng tình với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị đưa oxy y tế vào điều chỉnh trong Luật Dược bởi 3 lý do: WHO đã quy định oxy y tế là thuốc, từ điển Việt Nam công nhận là thuốc và sử dụng oxy y tế phải có chỉ định, theo dõi của thầy thuốc.
Phát biểu tại phiên họp, về việc đưa hay không đưa quy định về quản lý oxy y tế vào Luật Dược, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng đây là sản phẩm đặc biệt nên cần được quy định với quy phạm có tính nguyên tắc vì quyền lợi của người bệnh.
“Nếu như mục đích của Bộ Y tế là có cơ sở pháp lý quy định tại các văn bản dưới luật, trong khi quy định này chưa được quy định tại các luật, có thể xem xét đưa nội dung này vào Nghị quyết của kỳ họp Quốc hội hoặc Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng văn bản quy phạm pháp luật cần bao hàm các loại khí sử dụng trong khám, chữa bệnh, không nên chỉ đề cập riêng về khí oxy y tế.
Đối với quản lý hoạt động quảng cáo thuốc, đồng chí Trần Thanh Mẫn lưu ý cần có thêm quy định về hậu kiểm để bảo đảm chất lượng thuốc an toàn đối với người sử dụng. “Người dân rất quan tâm đến chất lượng thuốc, đừng để người dân “tiền mất, tật mang” khi sử dụng thuốc được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngành Y tế phải kiểm soát được chất lượng thuốc, thống nhất giá bán thuốc trên thị trường”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc quảng cáo thuốc trên truyền hình rất nhiều nhưng trách nhiệm chất lượng thuốc còn bỏ ngỏ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát lại dự án Luật có “nhóm tiêu cực, lợi ích” để tiến hành điều chỉnh. Cơ quan thẩm tra có chính kiến rõ ràng, công tâm, khách quan, vô tư, không bị bất cứ cá nhân, tổ chức nào tác động trong quá trình sửa đổi luật với tinh thần “thận trọng, chính xác, đồng bộ”, vì quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, cơ sở y tế; bảo đảm luật có tuổi thọ cao, công tác chăm sóc sức khỏe của người dân được tốt hơn.