Đời sống

Đời sống người dân Hồng Minh không ngừng được cải thiện

Minh Phú 12/08/2024 - 08:40

Mới đây, xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) được Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Xã Hồng Minh vốn là vùng xa của huyện và thành phố, nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, đời sống người dân ngày càng được cải thiện...

tham-quan-mo-hinh-canh-dong.jpg
Tham quan mô hình cánh đồng sạch ở xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên).

Nằm cuối huyện Phú Xuyên, Hồng Minh có diện tích đất tự nhiên gần 590ha với gần 2.500 hộ dân. Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới và 6 năm xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã tập trung được nguồn lực rất lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, giao thông… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.

Tính riêng từ năm 2019 đến nay, xã đã huy động được 272 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới nâng cao… Hồng Minh hiện có 9 thôn thì 100% đường trục chính, đường liên thôn được cứng hóa, bê tông hóa; 100% đường ngõ xóm có chiều rộng trên 2m có điện chiếu sáng. Trạm y tế của xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. 9/9 thôn có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng; 95,3% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 66% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt chuẩn…

Chủ tịch UBND xã Đặng Quang Duy cho biết, trong diện tích tự nhiên gần 590ha có 346ha đất sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế của Hồng Minh chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại và xây dựng; sản xuất nông nghiệp hiện chỉ chiếm 20% trong cơ cấu kinh tế của xã.

Trong sản xuất nông nghiệp, xã có 2 mô hình sản xuất VietGAP: Nuôi ba ba và nuôi nhím, dúi do 4 hộ gia đình áp dụng. Trên địa bàn xã còn có mô hình chăn nuôi gà đẻ quy mô lớn, cung cấp mỗi ngày hàng nghìn trứng gà cho thị trường Hà Nội, cho thu nhập hằng năm trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động...

Một số hộ dân ở Hồng Minh cũng đã mạnh dạn đưa vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, như gia đình anh Đình Toại ở thôn An Cốc Thượng nuôi dúi má đào, don don, cầy hương, chồn mốc, hằng năm cho thu nhập từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 5 lao động. Để chăn nuôi thuận lợi, anh Toại bảo đảm môi trường, tận dụng nguồn thức ăn từ tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp như chuối, ngô, mía, tre...

Cơ sở chăn nuôi Đình Toại cũng đã có kênh Youtube riêng để quảng bá thương hiệu, bán con giống, bán thương phẩm cùng nhiều video dạy cách chăm sóc vật nuôi. Mô hình này đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao, được nhân dân các địa phương khác đến tham quan, học tập...

Bên cạnh phát triển nông nghiệp, Hồng Minh xây dựng và đưa ra nhiều biện pháp để duy trì, bảo tồn, phát triển một số nghề phụ và kinh doanh giày dép, may mặc, dịch vụ hàng hóa... Theo thống kê năm 2024, toàn xã có khoảng 5.880 người trong độ tuổi lao động, chiếm tỷ lệ 63,1%. Đặc biệt, trên địa bàn có lực lượng lớn lao động làm việc trong các khu công nghiệp như: Quất Động, (Thường Tín), Ngọc Hồi (Thanh Trì). Nhiều lao động làm việc tại địa phương phát triển nghề truyền thống như cơ khí, mây tre giang đan… Hồng Minh còn có khá đông lao động làm việc tại nước ngoài, chủ yếu là xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, Hàn Quốc..., giúp người dân nâng cao thu nhập và mức sống.

Từ một xã thuần nông những năm trước đây, Hồng Minh hôm nay trở thành xã đa nghề, có mức thu nhập khá trong huyện, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, nông thôn khởi sắc. Những mô hình kinh tế của xã đang dần phát triển, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Hiện nay, thu nhập bình quân trên địa bàn xã ước đạt 72,3 triệu đồng/người/năm. Xã chỉ còn 23 hộ cận nghèo.

Sắp tới, theo kế hoạch, Hồng Minh sẽ sáp nhập địa giới hành chính với xã Tri Trung để thành lập đơn vị hành chính mới. Đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc rất lớn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Hồng Minh. Đó cũng là động lực để địa phương tiếp tục phát huy truyền thống, đạt kết quả cao hơn trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội...