Bài 5: Xứng tầm Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
Văn hóa - Ngày đăng : 21:50, 10/08/2024
Thiết chế văn hóa ở cơ sở là nơi diễn ra các hoạt động sáng tạo, phổ biến, thực hành và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân; nơi rèn luyện, nâng cao năng lực thẩm mỹ và thể lực của các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là địa chỉ quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và lan tỏa các giá trị văn hoá mới của thời đại, của dân tộc… Hà Nội là Thủ đô nơi “lắng hồn núi sông ngày năm”, là đầu tàu của cả nước trong phát triển cả về chính trị, kinh tế, văn hóa… Việc tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở, đặc biệt là ở khu vực nông thôn để kéo gần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, bảo tồn và lan tỏa nét đẹp vô cùng phong phú trong đời sống văn hóa nông thôn và xứng tầm Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Các nhà quản lý, chuyên gia đã chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới về giải pháp để thực hiện.
Trong nhiều nhiệm kỳ qua, thành phố đã kiên trì, bền bỉ đầu tư cho lĩnh vực phát triển văn hóa và con người. Điều này thể hiện rõ trong cả công tác chỉ đạo, điều hành và bố trí các nguồn lực. Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025"; Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Ngày 19-2-2024, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành Chỉ thị số 30 về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, trong đó, nhấn mạnh nội dung: “Sự nghiệp phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đòi hỏi phải đặc biệt chú trọng đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; đặt con người Hà Nội vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển Thủ đô, là chủ thể quan trọng nhất quyết định trực tiếp thành công của sự nghiệp phát triển Thủ đô nhanh, bền vững”.
Ngày 29-3-2024, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết “Quy định một số nội dung chi, mức chi hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025”, với tổng kinh phí dự kiến năm 2024 là hơn 382 tỷ đồng. Điều này cho thấy nỗ lực, quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, góp phần xây dựng lối sống văn minh, hiện đại, để đạt mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội trở thành Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Với những nỗ lực, quyết tâm đó, Hà Nội phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Chương trình số 06-CTr/TU đề ra đến năm 2025, 100% các thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa.
Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đều có quy định rất rõ về tỷ lệ đầu tư xây dựng các nhà văn hóa thôn, làng. Từ yêu cầu đó và nhu cầu thực tiễn, cơ bản các thôn, làng ở Hà Nội hiện nay đều đã có nhà văn hóa khang trang. Cũng từ đây, các thôn, làng phát triển mạnh mẽ hơn các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đời sống tinh thần của người dân nông thôn Thủ đô đã thực sự có những bước tiến rõ rệt. Nhà văn hóa mang đến luồng sinh khí mới, niềm vui cho người dân, nâng cao đời sống thể chất và tinh thần, góp phần tạo nên diện mạo những miền quê đáng sống.
Thực tế cho thấy, Nhà nước đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, song sử dụng hiệu quả, phát huy hết công năng hay không lại phụ thuộc nhiều vào chính dân cư sống ở nơi đó. Tại những thôn, làng, nếu được chính quyền địa phương quan tâm, Ban chủ nhiệm nhà văn hóa tâm huyết, sẽ có nhiều hoạt động bổ ích, lấp đầy hoạt động. Cũng tại các thôn làng, nhà văn hóa hoạt động thực sự hiệu quả sẽ huy động được sự chung sức của nhân dân đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang hơn.
Kết quả đó đã góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đặc biệt, chính điều đó cũng góp phần đưa Hà Nội trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về kết quả xây dựng nông thôn mới.
Tôi mong rằng các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở quan tâm chỉ đạo, đề ra giải pháp nhằm phát huy tối đa công năng của nhà văn hóa. Đó chính là nền tảng quan trọng để xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thúc đẩy việc xây dựng nông thôn mới ngày một tiến bộ, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Qua rà soát của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nhiều nhà văn hóa thôn bảo đảm chất lượng và hạ tầng thiết yếu phục vụ hiệu quả đời sống tinh thần của người dân. Nhà văn hóa thôn không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, mà còn là nơi tuyên truyền hiệu quả nội dung các quy tắc ứng xử, hoạt động chuyển đổi số và các chính sách của địa phương. Tuy nhiên, có một số thôn chưa có nhà văn hóa, hoặc cơ sở hạ tầng chưa đạt tiêu chuẩn, hoạt động tại nhà văn hóa không hiệu quả. Đây là điểm yếu trong việc thực hiện thiết chế văn hóa và là vấn đề đáng trăn trở, cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.
Không chỉ hướng tới mục tiêu “phủ sóng” nhà văn hóa tại thôn, tổ dân phố, quan trọng hơn nữa là các cấp, ngành phải chung tay xây dựng nhà văn hóa thôn hoạt động hiệu quả, thiết thực, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sẽ đem lại hiệu quả. Muốn như vậy, các địa phương cần phát huy vai trò quản lý của cán bộ thôn, xã trong việc phát triển các phong trào xây dựng nếp sống văn hóa ở địa phương; phát huy vai trò của các hội, đoàn thể, như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... để cùng chung tay giữ gìn và phát huy chức năng của nhà văn hóa thôn.
Cùng với đó, các địa phương phải rà soát lại việc thành lập Ban Chủ nhiệm nhà văn hóa thôn; kiểm tra các thiết chế đã được đầu tư như hệ thống bàn ghế, âm thanh, loa đài, sân khấu, tủ sách... để có đánh giá tổng thể nhằm bảo quản và sử dụng đúng mục đích. Ngoài ra, các địa phương cần đổi mới nội dung, phương thức và tổ chức phong phú, đa dạng các loại hình hoạt động tại nhà văn hóa, đặc biệt chú trọng xây dựng các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách, vui chơi, giải trí gắn với nhu cầu của nhân dân; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng để thu hút đông đảo người dân tham gia sinh hoạt...
Trong các hoạt động tại nhà văn hóa, đọc sách là hoạt động hằng ngày, thường xuyên, ổn định nhất, góp phần đưa nhà văn hóa trở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng đúng nghĩa.
Nhiều năm tham gia hỗ trợ, cố vấn thành lập thư viện, tủ sách, không gian đọc sách tại các địa phương, nhất là các thôn, làng, tôi nhận thấy, nhà văn hóa các thôn có nhiều điều kiện thuận lợi để tổ chức không gian đọc sách cho cộng đồng. Song, để bảo đảm cho việc thiết lập, duy trì và phát triển không gian này, quan trọng nhất là có tình nguyện viên phụ trách phòng đọc, thư viện, biết vận động mọi người trên địa bàn đến đọc; thường xuyên tổ chức các hoạt động hấp dẫn thu hút người dân, nhất là thanh thiếu niên, nhi đồng đến đọc sách báo và các hoạt động khác, gồm văn nghệ, thể thao, giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương đất nước, phổ biến pháp luật, bảo vệ môi trường; trao đổi về sinh kế...
Bên cạnh đó, người dân cũng phải quan tâm đến việc đọc và có ý thức đến đọc tại nhà văn hóa. Hơn nữa, phòng đọc, thư viện trong nhà văn hóa phải có vốn sách báo phong phú, hấp dẫn, thường xuyên được bổ sung. Đặc biệt, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm đến việc đọc của dân chúng, bố trí các nguồn sách được nhà nước trang bị từ các chương trình, dự án vào các không gian đọc hoặc luân chuyển chúng giữa các nhà văn hóa trên địa bàn.
Tôi thấy việc HĐND thành phố Hà Nội có Nghị quyết quy định về nội dung chi, mức chi hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đến hết năm 2025, trong đó có chi hỗ xây dựng tủ sách cho nhà văn hóa thôn là một chủ trương rất ý nghĩa, tạo động lực và điều kiện cho các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phát triển và phát huy vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần nâng cao dân trí và mức hưởng thụ văn hóa cho người dân. Tuy nhiên, để nghị quyết này đi vào cuộc sống phải thực hiện điều tra, xây dựng được một kế hoạch và có sự giám sát kiểm tra. Việc đầu tư xây dựng phải căn cứ vào điều kiện và nhu cầu thực tế, chứ không nên tràn lan.
Thời gian qua, huyện Đan Phượng đã vận động nhân dân chung tay xã hội hóa để có nguồn kinh phí cho hoạt động các nhà văn hóa. Trong 10 năm gần đây, huyện đã huy động được hơn 9,8 tỷ đồng xã hội hóa của nhân dân bằng tiền và hiện vật như loa đài, ti vi, bàn ghế, quạt, điều hòa… đặt tại nhà văn hóa. Về phía huyện, trong vòng 7 năm từ 2016 đến 2022, đã hỗ trợ kinh phí từ ngân sách của huyện là 4,78 tỷ đồng. Thế nhưng, kinh phí dành cho hoạt động nhà văn hóa thôn, nhất là cho công tác quản lý còn thiếu, nguồn xã hội hóa chưa cao. Đa số Ban Chủ nhiệm nhà văn hóa chưa qua bồi dưỡng, chỉ dựa vào kinh nghiệm, nên hoạt động còn hạn chế về nghiệp vụ, nhất là lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…
Do vậy, rất cần thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hoạt động văn hóa, thể thao nói chung và cho các thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, làm giàu thêm đời sống văn hóa tinh thần của mỗi người dân.
Lời kết:
Trong "bức tranh" tổng thể về nông thôn mới ở Hà Nội với nhiều mảng sáng và điểm nhấn, “mảng tối” về thiết chế văn hóa ở cơ sở đã làm giảm giá trị và vẻ đẹp của “bức tranh”. Để bộ mặt nông thôn và đời sống tinh thần cũng như vật chất của người dân thực sự văn minh, hiện đại, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân cùng bắt tay nhau sớm xóa bỏ “mảng tối” trên “bức tranh” nông thôn mới. Điều quan trọng, hằng năm thành phố cần bố trí nguồn kinh phí nhất định hoặc có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hoạt động văn hóa, thể thao nói chung và cho các thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng ở cơ sở. Chỉ khi đó, chủ nhân đích thực của thiết chế văn hóa cơ sở - những người dân, mới được thụ hưởng một đời sống tinh thần chất lượng. Và chính họ sẽ làm cho các thiết chế đó trở nên sống động, nhiều sinh khí hơn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, tiếp cận tri thức mới... Để nhà văn hóa thôn thực sự là "trái tim" của những miền quê đáng sống!
Nhóm tác giả: Nguyễn Mai - Hà Trang - Duy Chánh - Yên Nga
Ảnh: Hữu Tiệp - Nhóm PV Hà Nội Mới
Thiết kế - Kỹ thuật: Hữu Tiệp