Văn hóa

Bài 4: Những điểm sáng của làng quê

Nhóm PV HNMO 10/08/2024 21:45

Không chỉ là nơi hội họp, sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa còn là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho nhân dân. Nơi nào có nhà văn hóa - đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao hơn.

cover_4.jpg

Không chỉ là nơi hội họp, sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa còn là nơi đáp ứng nhu cầu của nhân dân về các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách và tiếp cận tri thức... Thôn nào có nhà văn hóa - đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở đó được nâng cao hơn. Địa phương nào có sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy Đảng, chính quyền thì ở đó, nhà văn hóa khai thác được hiệu quả công năng của công trình đầu tư. Trên “bức tranh” thiết chế văn hóa nông thôn, có những “mảng màu” tươi sáng rất đáng để học tập.

boc1-b4(1).jpg

Khoảng 16h, trời còn chưa tắt nắng, nhưng Nhà văn hóa thôn 6 (còn gọi là thôn Lầy) xã Vân Phúc (huyện Phúc Thọ) đã rất đông người dân tập trung để chơi bóng chuyền hơi. Ông Bùi Gia Điều, 84 tuổi, là thành viên tích cực trong Câu lạc bộ bóng chuyền hơi thôn Lầy hào hứng chia sẻ: “Tôi đã chơi bóng chuyền được 7 năm. Ở nhà văn hóa có 2 sân bóng, chiều nào cũng hơn 40 người cao tuổi ra chơi, nên mỗi người chỉ được đánh 1-2 set là phải nhường cho nhau. Mấy hôm nay, chúng tôi luyện tập để tham gia giải bóng chuyền hơi của huyện hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Chơi bóng khỏe người, nên tôi không bỏ buổi nào”.

ongdieu.jpg

Sân nhà văn hóa không chỉ là nơi chơi thể thao chứa đầy những tiếng hò reo, cười nói sảng khoái của người dân, mà còn là nơi sinh hoạt của Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của thôn Lầy, với nhiều hoạt động ý nghĩa. Câu lạc bộ có hơn 60 thành viên, trong đó 70% thành viên là người cao tuổi. Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt mỗi tháng một lần theo các mảng nội dung. Ngoài ra, hằng ngày, các thành viên còn gặp gỡ ở nhà văn hóa để trao đổi kinh nghiệm giữ gìn sức khỏe, thể dục dưỡng sinh, ca hát...

Ông Đặng Văn Mão, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 6, xã Vân Phúc cho biết, nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng năm 2015. Từ đó tới nay, đây là nơi tổ chức họp của người dân, chi bộ, các hội, đoàn thể, tiếp xúc cử tri và rất nhiều hoạt động văn hóa, thể thao của nhân dân. “Đặc biệt, hằng ngày, chúng tôi phân công các thành viên trong Ban Chủ nhiệm nhà văn hóa, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, các chi hội, đoàn thể trực, làm việc, xử lý, giải quyết công việc tại đây. Nhờ vậy, nhà văn hóa lúc nào cũng được mở cửa phục vụ nhân dân vui chơi, tập luyện, tổ chức các hoạt động…”, ông Mão nói.

box-ong-mao-b4.jpg

Còn tại Nhà văn hóa thôn Thanh Huệ Đình (xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn) luôn nhộn nhịp người dân tới đọc sách, báo. Trưởng thôn Thanh Huệ Đình Nguyễn Văn Quyển hào hứng nói: “Ở đây, ngoài sách, báo in còn có tủ sách điện tử với hàng trăm ấn phẩm khác nhau. Mọi người cần đọc thể loại nào, chỉ cần quét mã QR là có thể chọn lựa được cuốn sách yêu thích”. Năm 2023, thôn Thanh Huệ Đình được chọn làm điểm xây dựng mô hình thôn thông minh. Nhà văn hóa thôn trở thành nơi tuyên truyền, vận động và để người dân thực hành những tiện ích của chuyển đổi số. Tủ sách điện tử và nhiều hoạt động ý nghĩa đã kéo người dân tới nhà văn hóa đông hơn, thường xuyên hơn.

Tại Nhà văn hóa thôn 6, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất vừa mới diễn ra hội nghị sinh hoạt chuyên đề: “Một số giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng mô hình thôn thông minh” do Chi bộ thôn 6 tổ chức. Rất nhiều đảng viên đã tham dự, sôi nổi bàn cách đẩy mạnh chuyển đổi số vào cuộc sống. Bí thư Chi bộ Nguyễn Như Xô kể: “Trước chưa có nhà văn hóa, mỗi khi họp là chúng tôi phải tới nhà đồng chí Bí thư Chi bộ hoặc đi họp nhờ. Từ khi có nhà văn hóa, mọi hoạt động được diễn ra tại đây, ngay cả họp buổi tối cũng đầy đủ ánh sáng và quạt mát, rất thuận lợi”.

tit2-b4.jpg

Trong số các huyện ngoại thành Hà Nội, Đan Phượng là địa phương rất quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư, xây dựng, khai thác vận hành các nhà văn hóa. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Quỳnh Lâm cho biết, toàn huyện có 129 thôn, làng nhưng có tới 131 nhà văn hóa. Có một số thôn ở xã Song Phượng và xã Trung Châu, mỗi nơi có 2 nhà văn hóa. Huyện Đan Phượng cũng lắp đặt 126 điểm dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời tại các nhà văn hóa thôn, vườn hoa, công viên phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe của nhân dân. Trong 7 năm (từ 2016 đến 2022), toàn huyện đã trích ngân sách 4,78 tỷ đồng hỗ trợ chi phí hoạt động thường xuyên của nhà văn hóa thôn, tổ dân phố.

box-q.-lam-b4.jpg

Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng, huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Kim Huế thông tin, từ năm 2013, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, các thôn trên địa bàn xã đều được đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang. Những năm gần đây, các nhà văn hóa tiếp tục được nâng cấp, cải tạo. Chẳng hạn, thôn Thống Nhất, nhà văn hóa được đầu tư thêm khu vui chơi cho thiếu nhi, vẽ tranh tường. Riêng thôn Tháp Thượng, ngoài nhà văn hóa gắn với nhà truyền thống ở trong làng, thôn đã xây dựng thêm nhà văn hóa khu Đìa Đừng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Thỏa, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Tháp Thượng, thành viên Ban Chủ nhiệm nhà văn hóa thôn cho hay, Nhà văn hóa thôn Tháp Thượng được bao bọc xung quanh bởi ao làng rộng hơn 1.800m2 và rất nhiều cây xanh. Từ khi có nhà văn hóa, chi bộ, thôn, các hội đoàn thể và các cháu thiếu nhi có nơi sinh hoạt. “Chúng tôi phân bổ thứ bảy và chủ nhật dành cho Chi hội phụ nữ; các cụ cao tuổi tập dưỡng sinh vào thứ hai và thứ ba; các cháu thiếu nhi sinh hoạt hè vào thứ tư và thứ năm... Còn sân nhà văn hóa thì lúc nào cũng có người hóng mát, dạo bộ”, bà Nguyễn Thị Thỏa chia sẻ.

Không những được đầu tư xây dựng khang trang, nhiều nhà văn hóa thôn, tổ dân phố còn được quan tâm đầu tư theo hướng kiểu mẫu. Tháng 7-2024 vừa qua, Nhà văn hóa kiểu mẫu thôn khu dân cư Thăng Long đã ra mắt tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, trong sự phấn khởi của người dân nơi đây.

Theo Trưởng thôn khu dân cư Thăng Long Nguyễn Hữu Thoại, nhà văn hóa được đầu tư 9 tỷ đồng, có diện tích 1.700m2, gồm khu thể thao, sân tập với đầy đủ trang thiết bị, hội trường có 150 chỗ ngồi, khuôn viên cây xanh, ghế đá… Đặc biệt, nơi đây có thư viện với không gian khang trang, thoáng đãng, hơn 300 tựa sách được huy động từ nguồn xã hội hóa với tổng số tiền gần 80 triệu đồng, đáp ứng nhu cầu đọc sách, nâng cao kiến thức của người dân.

z5718878633323_59d78a32f746dc9efd40fe976a462a8b.jpg
Nhà văn hóa thôn Thụy Hương, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn. Trong ảnh, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội về kiểm tra tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa để xét công nhận xã Phú Cường đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tháng 6-2024). Ảnh: Nguyễn Mai

Điều đáng nói, ở địa phương nào cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm thì nhà văn hóa được đầu tư bài bản hơn, hoạt động hiệu quả hơn. Ngay từ khâu xây dựng, địa phương có quy hoạch từ sớm, thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội thì sẽ có được thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đồng bộ, hiện đại.

Khi có nhà văn hóa to, đẹp, hiện đại mà không vận hành, duy trì và phát triển thì cũng mờ dần trong “bức tranh” thiết chế văn hóa nông thôn. Chính vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải thường xuyên quan tâm xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức sôi nổi các hoạt động, thì nhà văn hóa thôn mới trở thành điểm sáng, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa tinh thần, nâng cao thể chất của nhân dân.

“Các nhà văn hóa thôn không triển khai tổ chức được tất cả các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí, đọc sách…, mà tùy tình hình thực tế, nhu cầu của cộng đồng và thế mạnh của địa phương, có thể đầu tư thật chất lượng một vài hoạt động, từ đó tạo điểm nhấn và sức bật cho hoạt động nhà văn hóa thôn mình”, Trưởng thôn Thanh Huệ Đình (xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn) Nguyễn Văn Quyển gợi mở.

XEM TIẾP