Mượn văn chương kể chuyện lịch sử: Xu hướng của nhiều cây viết trẻSức hút từ những câu chuyện "tranh hóa"
Giờ đây, các tác giả Việt ngày càng chứng minh sức hút của câu chuyện về lịch sử, dân gian qua những tấm áo được “tranh hóa”, giúp độc giả, đặc biệt là độc giả nhỏ tuổi dễ tiếp cận và yêu thích mảng sách về lịch sử.
Không ít người từng đặt câu hỏi, vì sao giữa bạt ngàn truyện tranh của nước ngoài, “Thần đồng đất Việt” vẫn nhận được sự hâm mộ của nhiều thế hệ bạn đọc trẻ?
Câu trả lời trước hết là do yếu tố thuần Việt gần gũi, quen thuộc đã làm nên sức sống bền lâu của bộ truyện này. Nhưng lý do thành công có lẽ là “Thần đồng đất Việt” đã “tranh hóa” những câu chuyện có thật, những tích xưa gắn liền với các danh nhân nước Việt như Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn, Vũ Duệ, Nguyễn Hiền; và cả những câu chuyện quân dân Đại Việt chống lại quân xâm lược phương Bắc. Qua phương thức thể hiện của truyện tranh, những tên truyện như “Pháp sư gọi bưởi”, “Voi đất biết đi”, “Thánh chỉ bằng đá”, “Món ăn thượng phúc”, “Trừng trị gian thương”, “Thầy đồ mắc nạn”, “Lớp học hà tiện”, “Sư ông mắc lỡm”, “Hết đời lang băm”... với những nét vẽ và hội thoại toát lên sự thông minh, dí dỏm đã cuốn hút độc giả trẻ.
Đặc biệt, các chi tiết, tình huống, sự kiện lịch sử được tinh giản trong truyện tranh, nhưng sau đó được thông tin thêm ở phần cuối truyện nên độc giả vẫn hiểu đầy đủ sự kiện, con người lịch sử cụ thể. Không ít độc giả trẻ đã ước ao: “Học môn lịch sử mà cũng thú vị, cuốn hút như đọc truyện tranh thì tốt biết bao”. Điều đó cho thấy, việc “làm mới” những câu chuyện lịch sử mang lại hiệu ứng tích cực, khiến lịch sử không còn khô khan mà trở nên hấp dẫn hơn với độc giả trẻ.
Sau “Thần đồng đất Việt”, nhiều bộ truyện tranh về lịch sử Việt Nam đã ra đời. Có thể kể tới NXB Kim Đồng với các bộ “Tranh truyện lịch sử Việt Nam”, “Chuyện hay sử Việt”, “Danh nhân khoa học Việt Nam”, “Những anh hùng trẻ tuổi”, “Hào kiệt đất phương Nam”, “Kể chuyện các vị vua hiền”, “Ngàn năm sử Việt”; NXB Trẻ với các bộ sách “Em yêu sử Việt”, “Tranh truyện danh nhân lịch sử Việt Nam”, “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”; NXB Giáo dục với “Truyện tranh lịch sử”; NXB Dân trí với bộ sách “Hiền tài nước Việt”; NXB Thanh Niên với “Truyện tranh lịch sử Việt Nam”...
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng cho biết, trong những cuốn truyện tranh về lịch sử Việt Nam, “mỗi nhân vật xuất hiện là một câu chuyện giàu tính văn học, mang hơi hướng dân gian nhẹ nhàng và gần gũi. Lời thoại trong truyện cũng rất đơn giản, không đặt nặng về tư liệu nhưng vẫn luôn tôn trọng tính xác thực của lịch sử, góp phần bồi đắp tình yêu của thiếu nhi với lịch sử, với dân tộc”. Bởi vậy, đây sẽ là những cuốn sách giúp các độc giả nhỏ tuổi bước đầu làm quen với lịch sử, tiếp nhận một lượng kiến thức cơ bản về lịch sử nước nhà thông qua hình thức kể chuyện bằng tranh hấp dẫn.
Sách truyện lịch sử bằng tranh không chỉ cuốn hút các em nhỏ mà ngay cả người lớn cũng ngày càng thích thú hơn với cách làm mới mẻ này. “Long thần tướng” của nhóm tác giả Nguyễn Thành Phong - Mỹ Anh - Nguyễn Khánh Dương là bộ truyện tranh lịch sử Việt Nam đầu tiên được trao giải Bạc tại cuộc thi Truyện tranh quốc tế lần thứ 9 vào năm 2016. Giải thưởng đã tạo cảm hứng khuyến khích các tác giả trẻ sáng tác, đồng thời khẳng định sự thành công của một hướng xuất bản theo cách gây quỹ cộng đồng như Comicola đã thực hiện. Cả 4 tập truyện “Long thần tướng” đều được xuất bản theo cách làm này, và Comicola đã và đang tiếp tục hỗ trợ xuất bản nhiều bộ truyện tranh khác của các tác giả Việt, trong đó hiện có hai bộ truyện tranh lịch sử “Cánh hoa trôi giữa hoàng triều” và “Chiêu Hoàng kỷ”.
Xu hướng “tranh hóa” các câu chuyện lịch sử, dân gian còn được các tác giả trẻ thể hiện qua sách tranh nghệ thuật (artbook). Đó là “Việt sử diễn họa” của tác giả Thanh Huyên với hơn 200 tranh vẽ tóm tắt dòng lịch sử Việt Nam trải dài hơn 4.000 năm. Là “Gánh hát lưu diễn muôn phương” của nhóm tác giả 9x (Thảo Hồ - Tấn Nguyễn) giới thiệu 36 loại hình nghệ thuật diễn xướng và lễ hội dân gian truyền thống ở Việt Nam. Là “Dệt nên triều đại” của nhóm Vietnam Centre giới thiệu trang phục cổ xưa nước Việt thời Lê sơ. Cả ba artbook này đều được Comicola “nhận thầu” theo cách gây quỹ cộng đồng và được độc giả đón nhận nồng nhiệt.
Những năm gần đây, NXB Kim Đồng quan tâm phát triển dòng sách artbook với các tác phẩm như “Lĩnh Nam chích quái”, “Truyền kỳ mạn lục”, “Nam Hải dị nhân liệt truyện”, “Thiện và ác và cổ tích”, “Hành trình Đông A”... Đại diện của NXB Kim Đồng khẳng định, NXB luôn ủng hộ và sẵn sàng đầu tư cho những ý tưởng và sự sáng tạo của các tác giả trong nước ở mảng truyện tranh.
Chuyển động nói trên của người làm xuất bản và giới sáng tác cho thấy sức sống của một dòng sách từng có lúc bị coi nhẹ.