Mượn văn chương kể chuyện lịch sử: Xu hướng của nhiều cây viết trẻ“Một dòng lịch sử, vạn câu chuyện đời”
“Mượn” văn chương để kể chuyện lịch sử, đó đang là hướng đi của nhiều cây viết trẻ.
Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Kim Cơ, Giám đốc Công ty Sách và Truyền thông Việt Nam (Nhà sách Tri Thức Trẻ Books) - một đơn vị liên kết xuất bản dành nhiều sự quan tâm cho các tác phẩm văn hóa, lịch sử.
- Được biết, Tủ sách “Một dòng lịch sử, vạn câu chuyện đời” ra mắt từ năm 2021, ông có thể cho biết lý do khiến Tri Thức Trẻ Books quyết định thành lập tủ sách này?
- Văn hóa, lịch sử luôn là đề tài mà Tri Thức Trẻ Books quan tâm. Trong một lần trao đổi về hợp tác xuất bản với một tác giả trẻ, tôi nhận thấy tác giả ấy có cách xây dựng tác phẩm theo chủ đề kể những câu chuyện về cuộc đời của các nhân vật lịch sử, tên chủ đề là “một dòng lịch sử - vạn câu chuyện đời”. Sau đó, được sự đồng ý của tác giả, Tủ sách “Một dòng lịch sử, vạn câu chuyện đời” đã chính thức xuất hiện. Tủ sách tập trung những tiểu thuyết lịch sử, dã sử xoay quanh cuộc đời của các nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam nhưng được thể hiện dưới góc nhìn sáng tạo của các tác giả trẻ Việt yêu thích và trân trọng lịch sử.
Qua các tác phẩm trong Tủ sách, đội ngũ Tri Thức Trẻ Books chúng tôi và các tác giả trẻ mong muốn truyền tải đến độc giả ý nghĩa của những câu chuyện nhỏ bé, giản dị trong dòng chảy của lịch sử nhưng mang trong mình sứ mệnh thổi hồn vào lịch sử, giúp đông đảo bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ tiếp cận tri thức về lịch sử.
Cho đến nay, chúng tôi đã cho ra mắt 8 đầu sách lấy cảm hứng từ nhiều triều đại khác nhau, từ Tiền Lê cho đến nhà Nguyễn. Mỗi tác phẩm đều có nét đặc trưng theo từng triều đại, phản ánh tính chất của sự kiện lịch sử, thời đại dưới cảm quan của tác giả. Trong đó, hai tác phẩm được nhiều bạn đọc quan tâm nhất là “Sông núi chưa già” của Phương Uyên và “Trần triều nhàn thoại” của Đồng Lạc. Cả hai tác phẩm đều đã được tái bản, ngoài ra còn có thêm bản đẹp, in bìa cứng, có đánh số.
Trong Tủ sách, cần phải kể đến tác phẩm “Con voi thành Phật Thệ” của Cổ Nguyệt Quang viết về cuộc chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Thực tế, cuộc chiến ấy chỉ được ghi lại vỏn vẹn 11 dòng trong sách sử. Hay cuốn sách “Vòng lặp” đậm chất dã sử kết hợp yếu tố kỳ ảo độc đáo, sắp ra mắt, hy vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu đọc ngày càng đa dạng của độc giả trẻ hiện nay.
- Các tác phẩm trong Tủ sách “Một dòng lịch sử, vạn câu chuyện đời” có dành riêng cho một độ tuổi nào hay không, thưa ông?
- Với đội ngũ Tri Thức Trẻ Books, chúng tôi muốn lan tỏa tủ sách này đến độc giả ở mọi lứa tuổi khác nhau. Chúng tôi tin rằng, tình yêu văn hóa, lịch sử nước nhà đều có ở mỗi con người Việt Nam ta, bất kể già trẻ. Có rất nhiều tác giả ở mọi lứa tuổi gửi bản thảo cho chúng tôi, và chúng tôi tin rằng các tác giả sẽ chinh phục được độc giả ở mọi lứa tuổi.
- Hiện nay, có nhiều tác giả trẻ là “tay ngang” trong nghề viết. Đội ngũ tác giả của Tủ sách “Một dòng lịch sử, vạn câu chuyện đời” có phải là những cây viết được đào tạo chuyên nghiệp?
- Các tác giả cộng tác với chúng tôi làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng họ có điểm chung là đều yêu thích văn học lịch sử Việt Nam. Không ít tác giả là những cây viết nổi tiếng trên mạng xã hội, có văn phong tốt, am hiểu và trân trọng lịch sử, được độc giả yêu mến và giới thiệu rất nhiều.
Ví dụ, tác giả trẻ Phương Uyên đơn giản là một người thích viết và coi đó là một thú vui ngoài công việc. Phương Uyên rất quan tâm đến lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ nên chị thường đưa những yếu tố này vào tác phẩm của mình. Tuy không phải là một nhà nghiên cứu về những lĩnh vực kể trên nhưng tác phẩm của Phương Uyên được rất nhiều độc giả đón nhận bởi sự chỉn chu và khả năng tìm tòi, sáng tạo dựa trên những sự kiện lịch sử có thật.
- Được biết, bên cạnh Tủ sách “Một dòng lịch sử, vạn câu chuyện đời”, Tri Thức Trẻ Books còn có Tủ sách “Văn sử tinh hoa”. Có điều gì giống và khác ở dòng sách lịch sử của hai tủ sách này?
- Hai tủ sách này có điểm chung là đều khai thác những tác phẩm có liên quan đến văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, Tủ sách “Văn sử tinh hoa” có phạm vi khai thác rộng hơn bởi chúng tôi không chỉ khai thác đề tài văn hóa, lịch sử của Việt Nam như “Việt Nam tập lược”, “Binh thư yếu lược”, “Thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm”..., mà còn quan tâm tới mảng sách văn học lịch sử thế giới như "Tam Quốc chí", "Thủy hử"...
Với “Văn sử tinh hoa”, chúng tôi tập trung khai thác những tác phẩm mang tính học thuật, nghiên cứu như “Tam Quốc chí”, “Tư trị thông giám”, "Sơn Hải kinh”... Còn với “Một dòng lịch sử, vạn câu chuyện đời”, chúng tôi đề cao sự sáng tạo của các cây viết nhằm tôn vinh và lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử Việt Nam.
- Hiện nay, số lượng bản thảo gửi đến Tủ sách “Một dòng lịch sử, vạn câu chuyện đời” chiếm tỉ lệ như thế nào so với các dòng sách khác của Tri Thức Trẻ Books, thưa ông?
- “Một dòng lịch sử, vạn câu chuyện đời” là một trong những tủ sách tạo nên thương hiệu cho Tri Thức Trẻ Books. Có thể nói, số lượng bản thảo về lịch sử gửi đến luôn đạt con số ấn tượng, chiếm khoảng 30 - 40% trên tổng số bản thảo gửi về. Điều đó cho thấy độc giả trẻ rất quan tâm đến dòng sách liên quan đến lịch sử, văn hóa Việt Nam. Các tác phẩm trong Tủ sách “Một dòng lịch sử, vạn câu chuyện đời”, đặc biệt là “Trần triều nhàn thoại” và “Sông núi chưa già” với nội dung hấp dẫn, cách truyền thông gần gũi, hài hước hợp với thị hiếu các bạn trẻ, đã khiến nhiều độc giả tìm hiểu và quan tâm rất nhiều đến yếu tố lịch sử được đề cập trong tác phẩm. Đó cũng là một cách để văn học sử Việt phát triển và được quan tâm nhiều hơn.
Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nhận bản thảo để làm phong phú thêm cho Tủ sách “Một dòng lịch sử, vạn câu chuyện đời”.
- Khó khăn lớn nhất của Tri Thức Trẻ Books trong xây dựng và phát triển các sáng tác về lịch sử là gì, thưa ông?
- Thách thức lớn nhất mà Tri Thức Trẻ Books đối mặt trong quá trình xây dựng và phát triển các sáng tác về lịch sử có lẽ là việc làm sao để thu hút nhiều tác giả viết truyện lịch sử hay lấy cảm hứng về lịch sử. Chúng tôi biết rằng, có rất nhiều tác giả trẻ vẫn còn e ngại trước các thể loại văn học liên quan đến lịch sử, dã sử bởi sợ bị đánh giá tiêu cực, sợ kiến thức của mình còn hạn chế hay văn phong chưa đủ tốt để có thể tạo nên một câu chuyện hoàn chỉnh.
Tri Thức Trẻ Books hy vọng có thể xây dựng được một cộng đồng tác giả viết truyện lịch sử để cùng nhau trao đổi thông tin, chia sẻ các tài liệu nghiên cứu và giúp đỡ nhau trong quá trình sáng tác, hoàn thiện và đi tới xuất bản tác phẩm.
- Vậy Tri Thức Trẻ Books làm thế nào để hỗ trợ, nâng đỡ những tác giả lần đầu thử sức sáng tác về lịch sử?
- Tri Thức Trẻ Books có một đội ngũ rất nhiệt huyết với văn hóa và lịch sử Việt Nam. Trang fanpage và kênh TikTok của chúng tôi mặc dù còn khiêm tốn về số lượt người theo dõi nhưng ở đó, các tác giả có thể trao đổi với nhau về lịch sử, đọc các bài viết tâm huyết của chúng tôi để có được thông tin hữu ích, từ đó có được cảm hứng viết sách. Ngoài ra, chúng tôi có một group mang tên “Từ viết lách đến viết sách” với 90,3 nghìn thành viên. Đây là một sân chơi có thể giúp các cây viết “chập chững vào nghề” gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với các tác giả khác, qua đó nâng cao chất lượng tác phẩm của mình.
- Trân trọng cảm ơn ông!