Hồ sơ

Quân đội Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga: Mũi tên hướng nhiều đích

Hoàng Linh 11/08/2024 - 07:22

Cuộc đột kích táo bạo và có phần liều lĩnh của lực lượng vũ trang Ukraine đã tạo ra điểm nóng mới tại Kursk (Nga), thu hút sự quan tâm của quốc tế. Giới quan sát cho rằng, chiến dịch này của Ukraine là một mũi tên hướng đến nhiều đích.

khoi-lua-boc-len-sau-vu-tan-cong-cua-ukraine-tai-kursh-nga-.-anh-nbc.jpg
Khói lửa bốc lên sau vụ tấn công của Ukraine tại Kursk (Nga). Ảnh: NBC

Mặc dù những cuộc xâm nhập tương tự từng xảy ra trước đây, nhưng đây là lần đầu tiên lực lượng chính quy của Ukraine được triển khai tham gia nhiệm vụ trên lãnh thổ Nga. Sau hơn 4 ngày giao chiến, thế trận giằng co tiếp diễn ở Kursk - tỉnh có diện tích gần 30.000km2 và dân số hơn 1 triệu người, nằm sát tỉnh Sumy (Ukraine).

Quyền Thống đốc Kursk Alexey Smirnov cho biết, tình hình ở biên giới "rất phức tạp", lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 6 máy bay không người lái cùng 5 tên lửa của Ukraine ở khu vực này trong một đêm. Người dân phải lũ lượt trốn chạy khỏi thị trấn Sudzha (thuộc Kursk), hoặc chọn ẩn náu trong các tầng hầm để tránh khỏi các cuộc tấn công bằng pháo binh và máy bay không người lái của Ukraine. Đến nay, phía Nga đã ghi nhận ít nhất 5 thường dân thiệt mạng và 24 người bị thương (trong đó có 6 trẻ em). Mátxcơva đã nhanh chóng triển khai các nỗ lực ứng phó, với diễn biến mới nhất theo truyền thông bản địa cho biết là tiếp tục bổ sung tới Kursk nhiều hệ thống rocket phóng loạt BM-21 Grad, pháo và xe tăng. Nga cũng được cho là đang tăng cường các hệ thống phòng thủ đất đối không Pantsir để bảo vệ Nhà máy điện hạt nhân Kursk. Điện Kremlin hiện đã tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp ở mức độ “liên bang”.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội nước này đã phá hủy thiết bị quân sự và triệt hạ lực lượng Ukraine tại một số khu định cư của Nga gần biên giới. Số liệu của Nga cho thấy, Ukraine đã mất 945 binh sĩ và 102 xe bọc thép, trong đó có 12 xe tăng. Cùng với đó, Nga cũng phá hủy 1 sở chỉ huy của đối phương tại Kharkov (Ukraine), khiến 3 Phó Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) gồm các tướng Mikhail Drapaty, Andrey Gnatov và Volodymyr Gorbatyuk và Tư lệnh lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine Oleksandr Pivnenko thiệt mạng. Đây đều là những chỉ huy triển khai chiến dịch lần này.

Một điểm đáng chú ý là ngoài những dữ liệu do hai bên tự công bố, thực tế có rất ít thông tin chi tiết về chiến dịch lần này của Ukraine, nhất là các mục tiêu chiến lược. Tuy nhiên, ông Myhailo Podolyak, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine từng tiết lộ, các cuộc tấn công ở khu vực biên giới sẽ khiến Mátxcơva nhận ra cuộc chiến “đang dần len lỏi vào bên trong lãnh thổ Nga". Theo quan chức này, chiến dịch cũng hứa hẹn cải thiện vị thế của Kiev trong trường hợp đàm phán với Mátxcơva. Bình luận về chiến dịch, Trung tướng Igor Romanenko, cựu Phó Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine cho rằng, ở cấp độ chiến thuật, cuộc đột kích sẽ khiến các nguồn lực, nguồn dự trữ của Nga bị phân tán, tạo thuận lợi cho các nỗ lực khác của Kiev trên chiến trường.

Bình luận về vụ việc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có phát biểu cho rằng, cuộc đột kích là “sự khiêu khích toàn diện của chính quyền Kiev". Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích "đây là một vụ tấn công khủng bố nhằm vào những người dân thường ôn hòa"; đồng thời nhấn mạnh, chính quyền Ukraine tấn công vùng Kursk nhằm thể hiện rằng, lực lượng Kiev vẫn hoạt động trong bối cảnh họ liên tục gặp thất bại trên chiến trường.

Giới quan sát cho rằng, chiến dịch có phần liều lĩnh lần này là nỗ lực “mũi tên trúng nhiều đích”, trong đó Kiev không nhằm mục đích chiếm được lãnh thổ Nga mà là có thêm những cơ hội truyền thông. “Cuộc tấn công là một biểu tượng lớn, một màn phô trương sức mạnh”, nhà phân tích quốc phòng Mathieu Boulegue tại Chatham House (Anh) nhận định.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cũng tỏ ra quan ngại về những rủi ro tiềm ẩn. Bên cạnh việc tiếp tục gia tăng căng thẳng, xóa nhòa mọi cơ hội đàm phán hòa bình, cuộc tấn công đương nhiên sẽ tác động tiêu cực tới đời sống dân thường và đặc biệt là đe dọa gián đoạn nguồn cung năng lượng. Thực tế, thị trấn Sudzha chính là nơi đặt trạm bơm duy nhất đảm nhận cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho châu Âu (qua Ukraine).

Người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc Rafael Grossi cuối tuần này cũng kêu gọi các bên “kiềm chế tối đa" khi giao tranh tại Kursk, vì đây là nơi có một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Nga.

Có thể thấy, chiến dịch lần này sẽ mang tới nhiều kết quả rất giá trị cho Kiev trong bối cảnh đang đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cách tiếp cận này rõ ràng rất dễ dẫn đến sự leo thang căng thẳng với Nga và đây là điều các nước phương Tây muốn tránh.