Kiên quyết với vi phạm về phòng, chống cháy, nổ trên địa bàn Thủ đô
Thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20-9-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới”, 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố đã kiểm tra 36.972 cơ sở nhà trọ (đạt 100%), qua đó đã xử lý vi phạm 3.134 trường hợp, tạm đình chỉ 672 trường hợp, yêu cầu 16.479 cơ sở dừng hoạt động...
Nhiều biện pháp cứng rắn cũng sẽ được các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai thực hiện nhằm giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.
2.980 cơ sở không bảo đảm yêu cầu
Thời gian gần đây, các vụ cháy, nổ liên tiếp xảy ra trên địa bàn Thủ đô, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đại tá Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 595 vụ cháy, nổ làm 20 người chết, 9 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 5,1 tỷ đồng...
Tính riêng trong tháng 5 và tháng 6-2024, tại Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, phải kể đến vụ cháy làm 14 người tử vong, xảy ra tại nhà số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy vào ngày 24-5-2024.
Ngay sau đó vào ngày 30-5, hỏa hoạn lại xảy ra tại khu để xe tầng 1 ngôi nhà 3 tầng một tum dạng ống, nằm sâu trong ngõ ở khu Ba La, phường Phú Lương, quận Hà Đông. Tuy nhiên, 9 người trong nhà đã may mắn thoát nạn. Đến ngày 16-6, hỏa hoạn bùng phát từ tầng 4 của ngôi nhà số 207 phố Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai khiến 4 người tử vong. Ngôi nhà xảy ra cháy chuyên kinh doanh vật tư điện nước, kim khí tổng hợp, sơn... Theo Đại tá Nguyễn Thành Long, có hơn 60% vụ cháy vừa qua xảy ra ở các quận. Hơn 73% số vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện. Hơn 74% số vụ xảy ra cháy tại nhà dân đơn lẻ, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ cháy tăng hơn 76% và tăng 15 người chết.
Phó Giám đốc Công an thành phố cũng cho biết, Hà Nội có 412 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao; 5.377 khu dân cư, 5.437 tuyến đường, phố, hẻm, ngõ nằm sâu từ 200m trở lên - nơi xe chữa cháy không thể tiếp cận. Đáng chú ý, hiện có 223 tuyến đường, phố, hẻm, ngõ có bục, bệ, barie chắn ngang cản trở hoạt động của xe chữa cháy. Qua rà soát, toàn thành phố có 2.980 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào hoạt động trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 có hiệu lực. Trong đó, 2.971 cơ sở đã cam kết lộ trình, thời hạn khắc phục. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện của các đơn vị còn chậm, hiện mới có 91 cơ sở hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy, đạt 4.3%.
Trước tình hình nêu trên, trong thời gian qua, toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô đã tích cực vào cuộc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy để giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị trên địa bàn đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra, đánh giá, kịp thời phát hiện các tồn tại, thiếu sót và có biện pháp khắc phục.
Đình chỉ những cơ sở vi phạm
Để triển khai hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TU, trung tuần tháng 5 vừa qua, Quận ủy, HĐND, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức giao ban chuyên đề về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho biết, các cấp ủy Đảng, chính quyền quận đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tuyên truyền, giáo dục đi đôi với kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy… Ban Thường vụ Quận ủy cũng yêu cầu người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố và quận Hoàn Kiếm về phòng cháy, chữa cháy; đồng thời siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực này.
Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức cũng cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy chữa cháy; trong đó xác định rõ: Người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; lấy việc chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy của người dân là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị. Các các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện cần chú trọng tập huấn, hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm khi có sự cố về cháy, nổ cho người dân; tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy; thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”… qua đó thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TU, Nghị quyết số 167-NQ/HU của Huyện ủy; kịp thời báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, chủ động xử lý triệt để các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy.
Thực hiện Công văn số 790-CV/QU ngày 24-5-2024 của Quận ủy Hoàng Mai về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn, nhiều mô hình phòng cháy, chữa cháy sáng tạo đã được triển khai trên địa bàn quận Hoàng Mai. Các phường đã nhanh chóng xây dựng kịch bản phòng cháy, chữa cháy. Các tổ dân phố vừa kết hợp tuyên truyền trên các nhóm Zalo, Facebook, vừa kết hợp sử dụng hệ thống phát thanh phường, loa cầm tay... để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.
Bí thư Đảng ủy phường Mai Động (quận Hoàng Mai) Đặng Thị Thanh Bình cho biết, cuối tháng 5 vừa qua, Đảng ủy phường ban hành Nghị quyết số 140-NQ/ĐU về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn. Trong đó, có nội dung kiên quyết tạm đình chỉ các hộ kinh doanh có hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy... Đến nay, các mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy”, “Điểm chữa cháy công cộng” đã được nhân rộng triển khai trên toàn phường. Các cấp ủy cũng hướng dẫn bổ sung, điều chỉnh đối với các tổ liên gia chưa đáp ứng yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy; đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đến từng địa bàn.
Mặc dù việc triển khai Chỉ thị số 25-CT/TU đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn, song khi chia sẻ bên hành lang kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV vừa qua, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã thẳng thắn bày tỏ: Về dài hạn, chúng ta phải có hệ thống đồng bộ trong quy hoạch đô thị, đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp để giảm dần tình trạng cho thuê trọ tự phát trong các khu nhà không bảo đảm các quy định về phòng cháy, chữa cháy như hiện nay. Đặc biệt, thực hiện Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, các cấp chính quyền phải có biện pháp mạnh tay, rà soát kỹ lưỡng công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn quản lý. Khi phát hiện các trường hợp có nguy cơ cao, phải yêu cầu, thậm chí cưỡng chế người dân bỏ ngay các vật cản, đồng thời thiết kế thêm lối thoát hiểm. Đại biểu Trịnh Xuân An cũng kiến nghị nên nghiêm cấm việc kết hợp sản xuất, kinh doanh với kinh doanh phòng trọ cho thuê để ngăn ngừa rủi ro đối với người thuê trọ.
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã được tổ chức cuối tháng 6-2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các địa phương, đơn vị chấm dứt ngay tình trạng "phó mặc" công tác phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; giải tỏa kịp thời các vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, xây bục bệ, rào chắn… gây cản trở hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; rà soát nguồn nước phục vụ chữa cháy trên địa bàn thành phố… qua đó nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và chủ động hơn nữa trong công tác cứu nạn, cứu hộ, góp phần giữ vững sự bình yên của Thủ đô.