Điểm nóng

Nga ban bố tình trạng khẩn cấp liên bang tại vùng Kursk

Hoàng Linh - Kim Phượng 10/08/2024 13:45

Ngày 10-8 (giờ Việt Nam), báo Mainichi (Nhật Bản) cho biết, Nga đã tuyên bố tình trạng "khẩn cấp liên bang" ở khu vực Kursk, 4 ngày sau khi các lực lượng Ukraine tràn qua biên giới trong cuộc tấn công dường như là lớn nhất của Kiev trên đất Nga kể từ khi xung đột bắt đầu.

evacuate.jpg
Người dân sơ tán khỏi Kursk. Ảnh: Euronews.

Theo quy định, Nga sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp liên bang trong tình huống có hơn 500 nạn nhân hoặc thiệt hại vượt quá 500 triệu rúp (tương đương khoảng 6 triệu USD).

Cuộc giao tranh ở Kursk đã thu hút được sự chú ý đáng kể trên các phương tiện truyền thông Nga.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng tiếp viện đang trên đường đến Kursk để chống lại cuộc tập kích của Ukraine. Mátxcơva cũng triển khai nhiều bệ phóng tên lửa, pháo kéo, xe tăng. Thông tin từ bộ này cũng cho biết, các lực lượng vũ trang Ukraine đã mất 945 binh sĩ và 102 xe bọc thép, trong đó có 12 xe tăng, trong cuộc tấn công.

Giao tranh được ghi nhận ở vùng ngoại ô phía tây của thị trấn Sudzha, cách biên giới Nga-Ukraine khoảng 10 km. Thị trấn này có một trung tâm trung chuyển đường ống quan trọng để xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu.

"Tình hình hoạt động ở khu vực Kursk vẫn còn khó khăn", Quyền Thống đốc vùng Kursk Alexei Smirnov chia sẻ trên Telegram, đồng thời cho biết các dịch vụ xã hội và các hiệp hội dân sự đang cung cấp hỗ trợ cần thiết cho những người dân buộc phải rời bỏ nhà cửa do giao tranh. Ước tính, đã có khoảng 3.000 người sơ tán khỏi Kursk trong những ngày qua.

Trong khi đó, theo truyền thông quốc tế, hiện có rất ít thông tin đáng tin cậy về chiến dịch táo bạo của Ukraine. Giới quan sát cũng nhận định, các mục tiêu chiến lược của cuộc tập kích này là không rõ ràng.

Về phần mình, các quan chức Ukraine tới nay đều từ chối bình luận về cuộc tấn công. Tuy nhiên, ông Myhailo Podolyak, một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy từng cho biết, các cuộc tấn công ở khu vực biên giới sẽ khiến Nga "nhận ra rằng cuộc chiến đang dần len lỏi vào bên trong lãnh thổ của mình". Theo quan chức này, chiến dịch cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện vai trò của Kiev trong trường hợp đàm phán với Mátxcơva.

Trước diễn biến tại Kurst, theo hãng thông tấn TASS, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi kêu gọi cả Kiev và Mátxcơva "kiềm chế tối đa" để tránh xảy ra tai nạn hạt nhân khi giao tranh được cho là vẫn đang diễn ra ở khu vực xung quanh nhà máy Điện hạt nhân Kursk.

Trong tuyên bố do IAEA đưa ra vào ngày 9-8, ông Grossi cho biết một vụ tai nạn hạt nhân tại KNPP sẽ "có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng về phóng xạ".

"Tôi muốn kêu gọi tất cả các bên hãy kiềm chế tối đa để tránh một vụ tai nạn hạt nhân có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng về mặt phóng xạ. Cá nhân tôi đang liên lạc với các cơ quan có thẩm quyền của cả hai nước và sẽ tiếp tục nắm bắt vấn đề này. Tôi sẽ tiếp tục cập nhật cho cộng đồng quốc tế khi cần thiết", ông cho biết trong một tuyên bố trên trang web của IAEA.

Người đứng đầu IAEA lưu ý rằng hai trong số sáu lò phản ứng hạt nhân tại KNPP đang ngừng hoạt động, trong khi hai lò khác đang hoạt động hoàn toàn. Hai lò phản ứng còn lại đang được xây dựng.

Hãng tin độc lập của Nga IStories đưa tin Mátxcơva đang chuẩn bị bảo vệ Nhà máy điện hạt nhân Kursk khi quân đội Ukraine tiến đến gần.

Trong một diễn biến khác, quân đội Ukraine cũng đang phải vật lộn để ngăn chặn một cuộc tấn công dữ dội của Nga tại các địa điểm trên tiền tuyến, đặc biệt là ở khu vực Donetsk.