Văn hóa

Nuôi nguồn sáng tạo từ tranh dân gian

Kinh Bắc 10/08/2024 10:32

Suốt bốn năm qua, Không gian sáng tạo Magic of Color (số 75 phố Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) liên tục tổ chức những chuyến hành trình về với các nghệ nhân dân gian, workshop, giao lưu, tọa đàm về mỹ thuật truyền thống, nhất là tranh dân gian.

Các thành viên của nhóm đã sáng tạo nhiều dòng sản phẩm lấy cảm hứng từ văn hóa Việt, từ tranh dân gian, góp phần tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống, đưa văn hóa truyền thống vào cộng đồng.

den-1.jpg
Các bạn trẻ tham gia trải nghiệm làm đèn dân gian.

Cảm hứng từ văn hóa truyền thống

Hơn một tháng nữa mới đến Tết Trung thu nhưng các thành viên của Không gian sáng tạo Magic of Color đã tất bật chuẩn bị cho mùa “trông trăng” mới. Chuỗi sự kiện đón Trung thu năm nay có chủ đề “Màu ký ức” được bắt đầu bằng buổi workshop đầu tiên mang tên: “Làm đèn lồng giấy dó”. Trước khi bắt tay vào trải nghiệm làm đèn lồng, các bạn trẻ được nghe nghệ nhân Lê Đình Nghiên - nghệ nhân nổi tiếng của dòng tranh dân gian Hàng Trống chia sẻ về nét đẹp và giá trị của tranh Hàng Trống. Điều đó thật ý nghĩa bởi trang trí trên những chiếc đèn lồng của mùa Trung thu năm nay đều được lấy từ đề tài của tranh Hàng Trống.

Chị Nguyễn Thị Hữu, người sáng lập Magic of Color cho biết: “Khi tìm hiểu về tranh Hàng Trống, chúng tôi nhận thấy có một điều rất thú vị là nhiều trò chơi dân gian của trẻ em Việt thuở xưa được đưa vào tranh. Trong đó, riêng Tết Trung thu có hai bức rất nổi tiếng là “Múa lân” và “Múa rồng”. Với mong muốn đem nét đẹp của văn hóa truyền thống, của tranh Hàng Trống đến với thế hệ trẻ hôm nay, sau khi trao đổi, bàn bạc kỹ với các thành viên trong nhóm, chúng tôi quyết định làm bộ đèn. Bộ đèn này gồm hai loại: Đèn kéo quân và đèn thả. Mỗi loại đèn được thể hiện theo năm chủ đề hình thành dựa trên năm bức tranh dân gian Hàng Trống, thể hiện năm trò chơi: Múa lân, múa rồng, kéo co, rồng rắn lên mây và bịt mắt bắt dê”.

Mỗi chiếc đèn kéo quân theo kiểu truyền thống được làm với sáu mặt. Tương ứng với mỗi mặt của đèn sẽ là một bức tranh dân gian, hoặc một cảnh của bức tranh dân gian. Thí dụ như chiếc đèn lấy cảm hứng từ bức tranh “Múa rồng” sẽ có một mặt là toàn cảnh bức tranh mô tả trẻ em vui đùa cùng con rồng. Năm mặt còn lại là năm "trích đoạn" hình ảnh các cô bé, cậu bé trong trang phục truyền thống đang vui đùa trong ngày Tết Trung thu. Việc “chuyển thể” các bức tranh về những trò chơi khác cũng được làm tương tự. Đây chỉ là một trong nhiều dòng sản phẩm của Magic of Color đã được đưa ra thị trường.

Chị Nguyễn Thị Hữu vốn làm truyền thông ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Từ việc hỗ trợ truyền thông cho dự án về tranh dân gian, chị nảy sinh ý tưởng thành lập một nhóm, chủ yếu gồm những bạn trẻ say mê văn hóa truyền thống. Năm 2020, Magic of Color ra đời, và từ đó đến nay luôn duy trì số thành viên khoảng 10 người. Mỗi người phụ trách một công việc khác nhau, gồm: Nghiên cứu, thiết kế, vẽ, kết nối thợ thủ công truyền thống, tổ chức sự kiện...

Hai mảng được Magic of Color tập trung tâm sức nhiều hơn cả là tranh và gốm. Những năm đầu, trụ sở của Magic of Color chính là nhà riêng của gia đình chị Hữu tại phố Khâm Thiên, gần đây mới chuyển về khu vực phố cổ. Miền Bắc có ba dòng tranh chính: Kim Hoàng (huyện Hoài Đức, Hà Nội), Đông Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và tranh Hàng Trống ở trung tâm phố cổ. Magic of Color nghiên cứu cả ba dòng tranh, từ đó tạo ra sản phẩm mới trên cơ sở đưa chủ đề tranh vào những sản phẩm khác nhau như ống bút, túi xách, lịch, đèn trang trí, bình giữ nhiệt... Những chất liệu mà Magic of Color sử dụng mang đậm nét văn hóa Việt, chủ yếu là giấy dó, tre, nứa...

Trong không gian trưng bày của Magic of Color, nổi bật nhất vẫn là những chiếc đèn trang trí, đèn lồng, đèn thả được chế tác tinh tế với những chủ đề được khai thác từ văn hóa truyền thống. Trong đó, được nhiều người ưa chuộng hơn cả là một chiếc đèn có sự kết hợp giữa tranh dân gian và mang dáng dấp của một chiếc trống đồng. Phần “mặt trống” chính là phần trên cùng của chiếc đèn, cũng được trang trí bằng tre với hình mặt trời cách điệu. Tiếp đó, tang trống, thân trống chính là phần chụp đèn. Phần tang trống được tạo hình từ những thanh tre nhỏ uốn cong, chỉ nhìn qua người ta đã không lẫn vào đâu được hình dáng chiếc trống đồng. Phần chân đèn cũng bằng tre gỗ, được xử lý kỹ, với hình bốn con chim lạc chụm đầu vào nhau trong tư thế bay vút lên.

den-2.jpg
Trang trí đèn bằng họa tiết tranh dân gian Đông Hồ.

Đây là một trong bộ ba chiếc đèn trang trí, đều lấy cảm hứng từ những chiếc trống Việt qua các thời kỳ. Để có thể tạo ra sản phẩm độc đáo này, nhóm đã lên thiết kế, làm việc với nghệ nhân làng nghề, sau đó kết hợp với các nghệ nhân thử nghiệm rồi cho ra sản phẩm ưng ý nhất. Những sản phẩm này hoàn toàn được chế tác thủ công, vừa tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống, khẳng định chất Việt, vừa có giá trị kinh tế cao, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Lan tỏa giá trị đến giới trẻ

Nếu như nhiều người làm sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa truyền thống thường hướng đến đối tượng khách du lịch để tiêu thụ sản phẩm thì Magic of Color lại vừa phục vụ khách nước ngoài, vừa chú trọng đến đối tượng khách hàng trong nước. Nguyên nhân là bởi trong quá trình làm việc, các thành viên của Magic of Color nhận thấy, nhiều bạn trẻ Việt Nam sau khi được tìm hiểu về nét đẹp của tranh và gốm Việt đã tìm đến tận các làng nghề để tìm hiểu, trải nghiệm. Có những bạn trẻ đồng hành cùng Magic of Color từ chương trình này đến chương trình khác. Sau mỗi workshop, họ lại đem về những sản phẩm do chính tay mình làm ra một cách đầy trân trọng.

Do đó, Magic of Color vừa nghiên cứu, thiết kế, sản xuất những sản phẩm mới từ tài nguyên văn hóa truyền thống, vừa tổ chức các chương trình trải nghiệm, tương tác với các nghệ nhân dân gian, đi về những làng nghề... Chị Nguyễn Thị Hữu cho biết: “Muốn các bạn trẻ gắn bó với văn hóa dân gian thì không thể chỉ tổ chức một vài buổi trải nghiệm cho các bạn in tranh, tô tranh mà cần xây dựng từ “gốc”. Các bạn phải được gặp gỡ các nghệ nhân, hiểu giá trị văn hóa mà cha ông ta đã để lại. Như vậy thì các bạn mới gắn bó, rồi từ đó lan tỏa những giá trị văn hóa một cách lâu dài”.

Từ năm 2020 đến nay, Magic of Color đã tổ chức gần 20 chuyến đi về làng tranh Đông Hồ và Kim Hoàng. Sau những chuyến đi đó, các bạn trẻ được tham gia workshop. Đỗ Hào Quảng, một thành viên của Magic of Color cho biết: “Magic of Color tập hợp nhiều bạn trẻ nên tư duy của các bạn rất sáng tạo và không bị giới hạn bởi bất kỳ khuôn mẫu nào. Cả nhóm mang tư duy đó vào làm việc để tạo ra những chương trình, sản phẩm có thể lan tỏa đến với người trẻ. Việc cộng đồng, nhất là những người trẻ tuổi thích tham gia các hoạt động của Magic of Color chính là thành công của chương trình”.

Nhờ những hoạt động như thế, Magic of Color trở thành đối tác quen thuộc của các nghệ nhân như Lê Đình Nghiên (dòng tranh Hàng Trống), Nguyễn Đăng Chế (tranh Đông Hồ), Đào Đình Trung (tranh Kim Hoàng) hay nghệ nhân - họa sĩ tranh dân gian nổi tiếng Nam Chi. Để xây dựng được những chương trình “có đầu, có cuối” như thế đòi hỏi khá nhiều công sức, nhất là khi tổ chức các chuyến đi đến làng nghề, trong khi đó, lợi nhuận thu được từ các hoạt động của nhóm chưa phải là nhiều nên các thành viên đều phải có lòng nhiệt tình, say mê với công việc. Theo chị Nguyễn Thị Hữu, đó là cách mọi người trong nhóm lan tỏa niềm say mê, qua đó thực hiện trách nhiệm với cộng đồng trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống theo một cách mới mẻ.