Bài tham dự Cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào":Nhiệt huyết từ tình yêu Hà Nội
Tôi vẫn thường trêu chị Vũ Phương Liên là "Người vác tù và hàng tổng", bởi chị "ôm" khá nhiều chức vụ; đã vậy còn tham gia giảng dạy lớp học tình thương. Đáp lại, chị cười tươi nói: "Nghỉ hưu rồi, làm được gì có ích cho xã hội thì thấy vui em ạ...".
Hiện nay, chị Vũ Phương Liên là Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận Tổ dân phố số 4, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia kiêm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy phường Hàng Bông; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu giáo chức và Ban Chấp hành Hội Luật gia quận Hoàn Kiếm.
Mong muốn đóng góp cho cộng đồng
Đó là chia sẻ rất thật của nhà giáo Vũ Phương Liên, nguyên Hiệu phó Trường THCS Hoàn Kiếm. Nghỉ hưu từ năm 2017, việc đầu tiên chị nghĩ đến là làm sao để khỏi "nhớ nghề". Vì vậy, chị đề xuất với Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hoàn Kiếm và Hội Cựu giáo chức quận Hoàn Kiếm phối hợp thành lập một lớp học tình thương do chị phụ trách. Đối tượng học sinh là con em hội viên hội phụ nữ của 18 phường trên địa bàn quận có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Khi đó, đã có ý kiến góp ý: Hoàn Kiếm là quận trung tâm của Thủ đô, cơ sở vật chất khang trang, đa phần các trường đều đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ các em trong độ tuổi đến lớp luôn ở mức tuyệt đối, thì mở lớp tình thương liệu có học sinh đăng ký theo học hay không?
Chị Liên phản biện: Trong cuộc sống, "sự học" chẳng bao giờ thừa cả. Vả lại, đối tượng của lớp học tình thương không phải là các em không có điều kiện đến trường. Đây là lớp bồi dưỡng kiến thức miễn phí cho các em. Phụ huynh gửi gắm con em đến lớp vì bận mưu sinh, không có nhiều điều kiện quan tâm, kèm cặp; hoặc gia đình kinh tế khó khăn, bớt được đồng tiền học nào thì hay đồng đó...
Thấy cô giáo Vũ Phương Liên quyết tâm, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hoàn Kiếm đã bố trí phòng làm việc trong cơ quan Hội, tại số 2 ngõ Hàng Chỉ với đầy đủ bàn ghế, quạt, điều hòa nhiệt độ, đèn chiếu sáng để thầy trò có điều kiện dạy và học. Thế là, cứ vào chiều cuối tuần, lớp học thu hút 10 - 15 học sinh từ lứa tuổi tiểu học đến trung học cơ sở. Các em được chia làm 3 nhóm: Nhóm tiểu học do cô Phạm Thị Lý, nguyên giáo viên Trường Tiểu học Thăng Long phụ trách; nhóm bồi dưỡng môn văn do thầy Trần Quốc Vinh, nguyên giáo viên Trường THCS Nguyễn Du đảm nhiệm và nhóm bồi dưỡng môn tiếng Anh do cô Vũ Phương Liên giảng dạy.
Kể lại quãng thời gian đầu thành lập lớp học, chị Liên cho biết, khi gia đình đưa các em tới lớp, có người đã thoáng chút thất vọng khi thấy các thầy cô đều đã ở tuổi làm ông, làm bà. Họ băn khoăn, không biết con em mình có được giảng dạy theo giáo án mới, phù hợp với chương trình học ở nhà trường hay không? Nhưng rồi, sau một thời gian, thấy sức học của các em có tiến bộ, các em đến lớp, cảm nhận được sự quan tâm, tình yêu thương của thầy cô như người ông, người bà ở nhà nên các phụ huynh rất yên tâm. Với tấm lòng yêu trẻ, không ít lần, các thầy cô còn bỏ tiền cá nhân mua sữa, bánh ngọt khao cả lớp để tạo tình cảm gần gũi và động viên các em đến lớp.
Mới đây, tôi gặp lại chị Vũ Phương Liên sau khi chị vừa tham dự phiên tòa với tư cách Hội thẩm nhân dân quận Hoàn Kiếm trở về. Hỏi về công việc dạy học, chị buồn rầu cho biết: "Lớp học tình thương nghỉ rồi, vì chưa sắp xếp được địa điểm em à. May mà chị còn tìm được một cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn để kèm thêm, không thì buồn chết!".
Tôi bày tỏ sự khâm phục khát khao được dạy học của chị. Là người có kiến thức sư phạm, nhiều năm kinh nghiệm quản lý và trực tiếp đứng trên bục giảng, nếu mở trung tâm học thêm thì thiếu gì học trò, lại có tiền. Thấy tôi đặt vấn đề như thế, chị lắc đầu quầy quậy: "Chị dạy vì yêu nghề và muốn đóng góp cho xã hội, chứ tuổi này còn ham hố gì nữa...".
Tạo niềm cảm hứng tích cực
"Chị để thời gian nghỉ ngơi hoặc đi du lịch, chứ tham gia nhiều công tác đoàn thể thế, chỉ khổ bản thân chứ lợi lộc gì?" - Tôi đặt câu hỏi khi thấy chị đang cùng mấy người trong tổ dân phố ôn lại các kiến thức cơ bản cho cuộc thi phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn do quận Hoàn Kiếm tổ chức.
"Chị cũng chẳng muốn "ôm" nhiều thế đâu, nhưng mọi người cứ muốn chị nhận đấy. Mà đã nhận rồi thì phải làm đến nơi đến chốn em ạ". Chị Liên vừa trả lời thì có người ghé vào tai tôi nói nhỏ: "Bà giáo Liên là "Vua săn giải" đấy".
Đặc thù ở cấp cơ sở là triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố và quận đến từng người dân. Hoạt động ở cơ sở rất cần những người am hiểu, năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động phong trào như chị Liên.
Đúng như lời chị Liên đã nói: Đã nhận là phải làm hết mình, làm có trách nhiệm. Với tâm thế ấy, chị Liên luôn tìm tòi, sáng tạo trong công việc, đem những kiến thức hay từ thực tế để chia sẻ với mọi người, giúp phong trào ở cơ sở được tốt hơn. Chính vì thế, chị luôn đạt giải cao trong các hội thi như: "Trưởng ban công tác mặt trận giỏi", "Dân vận khéo", Hội thi Phòng cháy, chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn.
Chị được UBND quận Hoàn Kiếm công nhận danh hiệu "Người tốt việc tốt" các năm 2019, 2021, 2023. Đặc biệt, với những đóng góp cho lớp học tình thương, chị đã được Hội Cựu giáo chức thành phố Hà Nội liên tục tặng bằng khen...
Đã 63 tuổi nhưng chị Vũ Phương Liên vẫn giữ được nét trẻ trung, duyên dáng, thanh lịch của người phụ nữ Hà Nội. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức, giàu truyền thống cách mạng, từ khi còn là thiếu nữ, chị Liên đã ấp ủ ước mơ trở thành "người chèo đò" chở tri thức đến với các thế hệ học trò.
Năm 1982, chị tốt nghiệp Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ và được phân công công tác tại Trường THCS Tân Trào (nay là Trường THCS Hoàn Kiếm). Mảnh đất Hoàn Kiếm linh thiêng và đầy tự hào đã nuôi dưỡng chị lớn lên, gắn bó hơn 3 thập niên công tác và sẽ còn gắn bó với chị cả quãng đời còn lại, bởi chị và gia đình hiện là công dân của phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm.
Chị luôn suy nghĩ phải làm gì để đóng góp nhiều hơn cho phường Hàng Bông nơi mình sinh sống và cho Thủ đô Hà Nội nói chung ngày càng phát triển thanh lịch, văn minh. Nhận thức như thế nên chị luôn đem hết nhiệt huyết của mình vào các hoạt động của địa phương cũng như những việc làm thiện nguyện, vì cộng đồng.
Những đóng góp của chị Vũ Phương Liên có thể rất bình dị, nhưng để làm được điều bình dị ấy, cần có một tình yêu đủ lớn với Hà Nội mới tạo được nhiệt huyết của bản thân trong nhận thức cũng như hành động. Và điều quan trọng là những đóng góp bình dị mà cụ thể ấy đã lan tỏa, tạo niềm cảm hứng tích cực cho cộng đồng, để mọi người cùng đồng lòng góp sức vì sự phát triển đi lên của Thủ đô Hà Nội thân yêu.