Nông nghiệp

Ngành Nông nghiệp Hà Nội quyết tâm vượt mục tiêu đề ra

Đỗ Minh 10/08/2024 - 06:14

Hiện là thời điểm “nước rút” để ngành Nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh tăng trưởng, đạt được mục tiêu đã đề ra của năm 2024 (tăng trưởng từ 2,5% đến 3%).

Các chuyên gia cho rằng, với tốc độ tăng trưởng như nửa đầu năm 2024, ngành Nông nghiệp Thủ đô hoàn toàn có thể cán đích, thậm chí tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra. Toàn ngành Nông nghiệp đang nỗ lực, quyết tâm vượt mục tiêu đề ra, khẳng định vai trò “trụ đỡ” trong nền kinh tế Thủ đô.

thuy-san.jpg
Sơ chế thủy sản tại Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì). Ảnh: TTXVN

Tăng trưởng hầu hết các lĩnh vực

Mặc dù tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác động từ thời tiết, thiên tai và dịch bệnh, song với sự chủ động, linh hoạt, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã duy trì tăng trưởng trên hầu hết các lĩnh vực. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản nửa đầu năm 2024 đạt 22.661 tỷ đồng, tăng 2,94% so cùng kỳ năm trước, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp là 20.945 tỷ đồng, tăng 2,92%; thủy sản đạt 1.677 tỷ đồng, tăng 3,33% so với cùng kỳ năm trước.

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, để đạt được kết quả nêu trên là nhờ sự chủ động trong sản xuất cũng như ứng dụng công nghệ cao trong các mô hình. Cụ thể, 80% diện tích trồng lúa là các giống chất lượng cao; cây ăn quả, dược liệu được chú trọng mở rộng diện tích. Đặc biệt, diện tích rau an toàn, rau hữu cơ của Hà Nội ngày một tăng, không chỉ cung ứng cho thị trường Hà Nội, mà còn có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố khác. Đáng chú ý, các vùng nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, an toàn và ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Diện tích nuôi trồng thủy sản của Hà Nội là 22,6 nghìn héc ta, tăng 2,5% và sản lượng thủy sản trong nửa đầu năm 2024 đạt 10,9 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng thông tin, huyện đã hỗ trợ xây dựng sàn giao dịch điện tử nông sản cho các hộ, chủ sản xuất; tăng cường quản lý và cấp mã sản phẩm, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, tạo sức cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm nông nghiệp.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định, cùng với sản xuất, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng được nền kinh tế thị trường ổn định, sản xuất theo nhu cầu, xây dựng các mô hình chuỗi giá trị, đặc biệt là các hộ đã ứng dụng công nghệ số trong giao dịch hàng hóa. Đây là những yếu tố giúp ngành tăng trưởng bền vững.

“Thị trường luôn là khâu quyết định giá trị của mỗi sản phẩm. Đó là điều ngành Nông nghiệp hướng tới và thúc đẩy. Diện tích sản xuất nông nghiệp của Hà Nội lớn, nhưng quy mô nhỏ, nên Hà Nội phải tận dụng được thị trường để tăng trưởng bền vững”, ông Nguyễn Xuân Đại nói.

Phấn đấu vượt mục tiêu

trong-rau.jpg
Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm). Ảnh: Quang Thái

Cuối tháng 7-2024 vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn Hà Nội có mưa lớn, gây ngập úng ở một số địa phương, làm hơn 1.169ha lúa, 407ha thủy sản bị ngập; 243ha ngô, rau màu các loại bị hư hại. Từ nay đến cuối năm 2024, nguy cơ bị ngập úng trên địa bàn thành phố vẫn còn hiện hữu. Đồng thời, biến động về thị trường cũng tác động lớn đến ngành Nông nghiệp…

Dù còn nhiều khó khăn, thử thách, song ngành Nông nghiệp Hà Nội vẫn quyết tâm phấn đấu tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra (hơn 3%). Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, sau đợt ngập úng này, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương thống kê và có giải pháp khôi phục diện tích lúa, rau màu, thủy sản bị ảnh hưởng. Đối với phần diện tích nguy cơ úng ngập cao sẽ lựa chọn những giống rau màu ngắn ngày gieo trồng, chủ động luân canh xen kẽ, bám sát những dự báo về thời tiết, khí hậu và dịch bệnh.

“Cuối năm, nhiều nhóm cây trồng giá trị cao bước vào thu hoạch; sản phẩm thịt, trứng cũng gia tăng… Ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương rà soát, hỗ trợ các mô hình theo chuỗi tập trung vào sản phẩm chế biến để đẩy mạnh giá trị. Ngành Nông nghiệp cũng phối hợp với ngành Công Thương tổ chức các hội chợ, xây dựng sàn thương mại điện tử nông sản…”, ông Nguyễn Xuân Đại khẳng định.

Còn Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng thông tin, chi cục phối hợp với các địa phương bảo vệ tốt khu vực sản xuất; một số sâu bệnh phát sinh gây hại ở mức độ cao, nhất là theo mùa được theo dõi chặt chẽ. Chi cục sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, tăng cường tính dự báo cho lĩnh vực này.

“Các địa phương, hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã cần đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, khai thác hợp lý nguồn nước phục vụ cho cây trồng; thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để có phương án ứng phó kịp thời…”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại lưu ý.

o-khien.jpg

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển:

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp

Từ nay đến cuối năm 2024, huyện Thanh Oai tập trung hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện. Bên cạnh việc tổ chức các hội chợ, gian hàng, huyện phối hợp với các sở, ngành tập huấn cho các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp cận công nghệ số, xây dựng sàn giao dịch, giới thiệu sản phẩm điện tử. Dự kiến, trong tháng 11 và 12-2024, huyện sẽ phối hợp Sở Công Thương, Sở NN&PTNT tổ chức 2 hoặc 3 hội chợ giới thiệu sản phẩm nông sản, trong đó nổi bật là các sản phẩm OCOP.

Để duy trì tăng trưởng bền vững, huyện sẽ thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch phát triển nông nghiệp; nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, huyện rà soát, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, tạo môi trường thuận lợi để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp, phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường…

cong-than.jpg

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản:

Có kịch bản sản xuất, gieo trồng phù hợp

Trước dự báo mưa, bão còn nhiều và diễn biến phức tạp, huyện Thường Tín đã yêu cầu các xã thống kê diện tích dễ úng, ngập để có phương án, kịch bản sản xuất, gieo trồng phù hợp. Tại các vùng có nguy cơ úng ngập cao, hạn chế không gieo trồng cây dài ngày hay nuôi trồng thủy sản, tập trung vào sản xuất rau màu, cây cảnh cho thị trường cuối năm. Trong chăn nuôi, rà soát các hộ, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi, tiêm phòng dịch bệnh, kiểm soát dịch bệnh tốt, có phương án tái đàn phù hợp…

Gần vụ thu hoạch lúa mùa cũng là lúc mưa bão xuất hiện, các đơn vị chuyên môn cần hướng dẫn người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động lực lượng lao động, phương tiện thu hoạch nhanh, gọn những diện tích lúa đã chín để tránh thiệt hại do mưa, lũ; tập trung gieo trồng các cây trồng bảo đảm khung thời vụ. Thời gian tới, các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các mô hình, dự án nông nghiệp công nghệ cao; tập trung đầu tư chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ coi trọng số lượng sang chất lượng.

dong-tam.jpg

Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường:

Đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chất lượng cao

Dịp cuối năm, nhu cầu về thực phẩm gia tăng, trong đó có thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường từ nay đến cuối năm, từ tháng 3-2024, hợp tác xã đã phát triển đàn lợn nuôi, tập trung vào các sản phẩm chế biến, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Mỗi tháng, hợp tác xã cung ứng cho thị trường từ 13 đến 15 tấn thịt lợn sinh học và sản phẩm chế biến từ thịt lợn, như xúc xích, giò chả. Hợp tác xã cũng duy trì một hệ thống cung ứng ổn định là các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, bếp ăn tại huyện Quốc Oai cũng như nội thành và một số siêu thị.

Về lâu dài, để bảo đảm tăng trưởng, ngoài sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, chuyên sâu về chế biến, bài toán thị trường cũng cần được chú trọng. Hợp tác xã đã xây dựng trang web giới thiệu và bán sản phẩm, song hiệu ứng chưa lớn, nên hợp tác xã mong muốn các sở, ngành hỗ trợ để xây dựng công nghệ số trong bao tiêu sản phẩm, hướng tới kinh doanh chuyên nghiệp hơn…

Minh Huyền ghi