Văn hóa

Trưng bày hơn 60 bức tranh đề tài dân gian tại biệt thự Pháp

Hoàng Quyên 09/08/2024 - 19:55

Hơn 60 bức tranh với đề tài tranh dân gian Hàng Trống - Đông Hồ - Kim Hoàng quen thuộc như Lợn đàn, Thần Kê, Đánh ghen, Ngũ Hổ, Đám cưới chuột… được trưng bày tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cũ (ngôi biệt thự Pháp ở số 49 Trần Hưng Đạo).

z5715307242973_fc560107adc8ec4ab665cbcb2e6e905e.jpg
Những bức tranh được trưng bày mang đậm chất dân gian, truyền thống. Ảnh: Hoàng Quyên

Nằm trong chuỗi các hoạt động nhân dịp 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024) và hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), chiều 9-8, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các họa sĩ của Latoa Indochine tổ chức triển lãm tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cũ (ngôi biệt thự Pháp đã được trùng tu – 49 Trần Hưng Đạo).

z5715307315020_a7a724b4db3fd4db7329759e1eb27602.jpg
Cắt băng khai mạc triển lãm "Mạch di sản". Ảnh: Hoàng Quyên

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ, trên địa bàn quận hình thành các trung tâm giao lưu văn hóa như: Trung tâm giao lưu phố cổ; Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội; Trung tâm giao lưu phố cũ... Nơi đây sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, quảng bá di sản vật thể và phi vật thể của quận Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung. Việc tổ chức triển lãm “Mạch di sản” là một trong những hoạt động tôn vinh di sản, đưa vẻ đẹp của văn hóa dân gian tới gần với công chúng.

z5715307245988_794d4430e12e0a5f9c45bb96ecd2b7c1.jpg
Triển lãm trưng bày hơn 60 bức tranh. Ảnh: Hoàng Quyên

Còn theo Lương Minh Hòa, người có tác phẩm tại triển lãm, tranh dân gian vốn gắn bó với người dân Việt Nam trong nhiều thế kỷ, nhưng vì nhiều nguyên nhân, giờ đây dòng tranh này đang đứng trước nguy cơ mai một. Để bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống quý báu này, Latoa Indochine cùng các cộng sự đã phục hồi, phát huy, bảo tồn tranh dân gian, mang đến “đời sống mới” cho nghệ thuật hội họa xưa, để những nghệ thuật truyền thống được “hồi sinh” trong đời sống hiện đại.

Triển lãm tranh “Mạch di sản” trưng bày trên 60 bức tranh với đề tài tranh dân gian Hàng Trống - Đông Hồ - Kim Hoàng quen thuộc như: Lợn đàn, Thần Kê, Đánh ghen, Ngũ Hổ, Đám cưới chuột,… nhưng lại được “tái tạo” trên cơ sở kết hợp kỹ thuật tranh sơn mài với tranh sơn khắc mang đến cho những người yêu nghệ thuật một góc nhìn thú vị, đầy sáng tạo về dòng tranh truyền thống của dân tộc, đồng thời góp phần phát triển một nét văn hóa xưa lên tầm cao mới, hòa quyện giữa không gian bình dị trong dòng chảy hiện đại.

z5715310447596_3655a6fb11a28fadd4f4930ed54bc2cb.jpg
Một số bức tranh theo phong cách tranh Kim Hoàng, Hàng Trống được giới thiệu tại triển lãm. Ảnh: Hoàng Quyên

Tại triển lãm, các họa sĩ: Lương Minh Hòa, Trần Thiệu Nam, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Thái Học... giới thiệu tới công chúng những tác phẩm về sen, múa đèn, phong cảnh, nhân vật… Trong thời gian trưng bày triển lãm, các tác giả tổ chức các hoạt động trải nghiệm sơn mài khắc nhằm giới thiệu tới công chúng hiểu sâu hơn về nghệ thuật sơn mài truyền thống của Việt Nam và hướng dẫn trải nghiệm các công đoạn để tạo ra một tác phẩm tranh sơn mài khắc.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 3-9-2024.