Bạn đọc

Xử lý vi phạm trật tự đô thị quanh Hồ Tây: Cần chiến lược quản lý đồng bộ, chế tài đủ mạnh

Thanh Bình 09/08/2024 16:27

Là nơi gắn với nhiều danh thắng và di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng, niềm tự hào của người dân Thủ đô, hồ Tây liên tục được quan tâm đầu tư, chỉnh trang để mang lại không gian sáng, xanh, sạch, đẹp, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước. Nhưng có thực trạng là khu vực quanh hồ đang bị biến thành điểm kinh doanh phục vụ lợi ích nhóm của những người bán hàng…

Vỉa hè và lòng đường đều bị chiếm dụng

Tình trạng vi phạm trật tự đô thị diễn ra đối với tất cả các tuyến đường quanh hồ Tây gây bức xúc trong dư luận và cũng là vấn đề nan giải của cấp chính quyền cơ sở.

Nằm ở khu vực thoáng đẹp với một bên là mặt hồ lộng gió, một bên là những mái chùa, đình, đền cổ kính, linh thiêng, tuyến đường: Thanh Niên, Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Nhật Chiêu, Quảng Bá… ngày nào cũng đông khách tham quan.

Nhưng rất nhiều nhà hàng, quán ăn, cửa hàng ăn uống, dù diện tích rộng hay hẹp, đều đang lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, kê bày bàn ghế, thậm chí dựng ô, dù chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh và trông giữ xe.

ddn-ht2.jpg
Vỉa hè phố Trích Sài biến thành nơi bán hàng. Ảnh: Thanh Bình
ddn-ht7.jpg
Nhiều phương tiện của khách hàng đỗ ngay dưới lòng đường, gây cản trở giao thông. Ảnh: Thanh Bình

Tận dụng tối đa “nguồn tài nguyên đất vàng”, nhiều hộ bố trí cho khách để ô tô trên vỉa hè, hoặc một nửa xe trên hè, một nửa xe dưới lòng đường. Đáng nói, không chỉ chiếm dụng hè, đường ban ngày, mà cả buổi tối, các quán hàng vẫn hoạt động, khiến cho người dân phải chịu cảnh: Ngày thì đi lại bị tắc đường, nguy cơ va chạm, tai nạn, tối muốn đi bộ, đạp xe thể dục thì không còn chỗ chen chân vì vỉa hè bị lấn chiếm, lòng đường đông đúc, lộn xộn.

Nhiều du khách đến đây, muốn ngồi ghế đá nghỉ chân hoặc đứng ngắm hồ, nhưng khó tìm được chỗ vì người bán hàng đã dùng những chỗ đẹp nhất, thoáng nhất để kê bày bàn ghế kinh doanh, thậm chí ghế đá công cộng cũng là nơi để người bán hàng “giữ chỗ” cho khách. Vô hình trung, khách tham quan muốn được ngắm cảnh hồ hoặc nghỉ chân thì phải dùng dịch vụ ăn uống của những chủ quán hàng ăn uống đã “sắp xếp”.

Ông Lê Anh Thái, nhà ở phố Thụy Khuê, bức xúc: "Sống ở phố như chúng tôi cả ngày ngột ngạt với xe cộ rồi, tối đến muốn ra hồ dạo hít thở không khí trong lành, thư giãn, tập thể dục, nhưng ra đến nơi lại muốn đi về vì đông đúc, lộn xộn quá. Lại còn tiếng nhạc từ loa kéo người ta mang ra, mở công suất lớn đau đầu lắm. Thậm chí đi bộ trên hè cũng nguy hiểm vì rác, vỏ chai, vỏ lon đầy dưới chân...".

Bà Bùi Thanh Hoa, ở phố Hoàng Hoa Thám cho biết: "Hôm trước, nhà tôi có khách ở quê ra chơi, tối khách muốn ra hồ Tây hóng mát, thấy cảnh lộn xộn, đông đúc, ồn ào nên phải về...".

ddn-ht5.jpg
Vỉa hè phía Hồ Tây cũng thành nơi bán hàng khiến du khách không còn lối đi. Ảnh: Thanh Bình

Cần chiến lược quản lý đồng bộ

Trao đổi với lãnh đạo một số phường trên địa bàn có nhiều vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường hồ Tây, phóng viên Báo Hànộimới được biết, khó khăn chung mà cấp chính quyền cơ sở đang gặp phải khiến cho hiệu quả công tác quản lý ở đây như “bắt cóc bỏ đĩa”, đó là công tác quản lý còn chồng chéo, sự phối hợp chưa được chặt chẽ, nhất là ở địa bàn giáp ranh…

Chủ thể người vi phạm thuộc phường này, nhưng phương tiện của khách lại để sang phường kia, dẫn đến công tác xử phạt khó và không kịp thời. Khi các đơn vị chức năng lập biên bản vi phạm, thu giữ phương tiện vi phạm như bàn ghế, ô dù, chủ các hàng quán bỏ luôn, không chấp hành hình thức xử phạt. Xe ô tô của khách đỗ dưới lòng đường thuộc quyền quản lý của ngành giao thông, chính quyền chỉ có thể nhắc nhở nên không đủ sức răn đe, ngăn chặn tái phạm. Hoặc nhiều khi lực lượng chức năng phường ra quân kiểm tra, xử phạt, khi vừa đi khỏi, các hành vi vi phạm lại tái diễn.

ddn-ht3.jpg
Hầu hết vỉa hè các tuyến phố quanh Hồ Tây đều bị chiếm dụng, gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: Thanh Bình

Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND phường Yên Phụ Nguyễn Hồng Diệp thông tin thêm, nhiều hôm, lực lượng chức năng ra quân, chủ hàng và khách "rút" rất nhanh, lực lượng chức năng phải thu dọn hiện vật là những chiếc ghế và rác...

Còn Phó chủ tịch UBND phường Xuân La Phùng Công Thế cho biết: Quán triệt tinh thần chỉ đạo của các cấp trên, 6 tháng đầu năm 2024, Ban chỉ đạo 197 của UBND phường đã xây dựng và triển khai 5 kế hoạch, 1 chương trình về công tác bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trên địa bàn. Đối với khu vực Hồ Tây, tuy chỉ quản lý 600m, nhưng phố Vệ Hồ cũng là khu vực có nhiều hộ kinh doanh (21 hộ), đường nhỏ hẹp, nên phường rất vất vả trong việc kiểm tra, xử lý. Cụ thể, phường đã tiến hành xử phạt 85 trường hợp vi phạm tại phố Vệ Hồ; thu giữ gần 100 bàn, ghế chủ hàng kê chiếm dụng hè, lòng đường…

Chung quan điểm, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê Phạm Quang Hòa thông tin: UBND phường đặc biệt chú trọng công tác quản lý các tuyến đường khu vực Hồ Tây thuộc địa bàn phường. Nhận thức đây không chỉ là khu vực có vị trí, cảnh quan đẹp thu hút khách du lịch, mà còn phải bảo đảm an toàn, quyền lợi chính đáng của người dân khu vực, hằng ngày, Ban chỉ đạo 197 phường đều ra quân theo giờ cố định và đột xuất để chấn chỉnh, xử lý vi phạm. Nhưng có một thực tế là ý thức người bán hàng ở đây còn thấp và do thuận lợi kinh doanh, nên họ bất chấp các quy định, chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng là tái phạm…

Rõ ràng, các hành vi vi phạm lấn chiếm hè, đường khu vực quanh hồ Tây đã và đang gây ảnh hưởng mỹ quan, trật tự, văn minh đô thị. Đã đến lúc, các lực lượng chức năng từ thành phố đến quận cần có chiến lược quản lý đồng bộ, phân định rõ trách nhiệm, có chế tài đủ mạnh để việc xử lý vi phạm trật tự đô thị quanh Hồ Tây đạt hiệu quả thực chất hơn.