VNPT hướng tới mục tiêu chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu phát triển bền vững ngày càng tăng, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (telco) đang đẩy mạnh xu hướng chuyển đổi xanh. Trong xu thế đó, cùng với lộ trình chuyển đổi từ một telco sang techco, Tập đoàn VNPT cũng đang hướng tới mục tiêu chuyển đổi xanh để đảm bảo sự phát triển bền vững cho xã hội và đất nước.
Net Zero - xu hướng toàn cầu và chính sách “Chuyển đổi kép” của Việt Nam
Những thách thức về biến đổi khí hậu đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với trách nhiệm môi trường của mọi quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Net Zero trở thành yếu tố không thể thiếu ở nhiều quốc gia để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Hiện nay, đã có 120 quốc gia và hơn 200 công ty toàn cầu cam kết thực hiện Net Zero. Trong đó, ngành công nghệ, truyền thông và viễn thông đang và sẽ đóng vai trò quan trọng trong phong trào này. Trung tâm dữ liệu, dịch vụ chính của ngành viễn thông, tiêu thụ gần 3% tổng lượng điện năng toàn cầu. Dự kiến, nhu cầu lưu trữ dữ liệu và trung tâm dữ liệu sẽ tăng mạnh, kéo theo nhu cầu về điện gia tăng. Thêm vào đó, việc triển khai 5G đòi hỏi xây dựng và lắp đặt nhiều trạm gốc, thiết bị mạng và cáp quang rộng rãi, dẫn đến việc gia tăng khí thải. Để đối phó với thách thức này, Liên minh Viễn thông quốc tế, Sáng kiến Bền vững điện tử toàn cầu và GSMA đã xây dựng một lộ trình khoa học để đạt được mức phát thải ròng bằng không.
Net Zero trở thành mục tiêu chung và Việt Nam không nằm ngoài nỗ lực đó. Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn và cải thiện hiệu quả năng lượng trong sản xuất để giảm bớt tác động đến môi trường. Trong đó, chương trình chuyển đổi số quốc gia sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc hướng ngành sản xuất tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050, qua việc tối ưu hóa quy trình, giảm lãng phí và hỗ trợ năng lượng tái tạo.
Tại Việt Nam, công nghệ số và chuyển đổi số được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh. Nhiều chính sách cho “Chuyển đổi kép” đã được Việt Nam ban hành. Đó là “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm cải thiện khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng kỹ thuật số với các dịch vụ 5G; “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” và “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”.
Để các chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống, cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, vai trò tiên phong của các tập đoàn kinh tế nhà nước cần được phát huy, thể hiện vai trò không thể thay thế với sự phát triển bền vững cho xã hội và của đất nước.
VNPT hướng tới mục tiêu kiến tạo xã hội phát triển bền vững
Đồng hành cùng mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ, Tập đoàn VNPT đã không ngừng tìm kiếm và triển khai những giải pháp công nghệ sáng tạo, hướng tới cùng Chính phủ và toàn xã hội giải quyết cả 3 tiêu chuẩn trong phát triển bền vững (ESG): Environment - môi trường, Social - xã hội, Governance - quản trị doanh nghiệp.
Với tiêu chí E - Environment, VNPT không chỉ thực hiện chuyển đổi xanh cho các hoạt động nội bộ mà còn đang thực hiện chuyển đổi số cho hàng chục triệu khách hàng của mình thông qua triển khai hàng loạt công nghệ trong việc giao tiếp, thu cước, hỗ trợ xử lý sự cố từ xa...
Các nền tảng công nghệ mới của VNPT như VNPT Cloud, VNPT AI không chỉ được phát triển dựa trên công nghệ tiên tiến đảm bảo các tiêu chuẩn xanh hàng đầu thế giới, đảm bảo tiết kiệm điện năng và bảo vệ, thân thiện với môi trường, mà thông qua hệ sinh thái, các dịch vụ này còn giúp giải quyết bài toán môi trường cho toàn xã hội.
Điển hình như Công nghệ VNPT AI có thể giúp phân tích, dự đoán sớm biến đổi của khí hậu, minh bạch hóa về chỉ số carbon, giảm tác động tiêu cực và khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường sống. VNPT AI được ứng dụng các công nghệ mới nhất, đạt chuẩn quốc tế và được làm chủ hoàn toàn bởi các kỹ sư Việt Nam nên có khả năng thay đổi tương thích với nhu cầu và điều kiện đặc thù tại Việt Nam.
Khía cạnh thứ hai trong phát triển bền vững là xã hội: S - Social. Hệ sinh thái các dịch vụ 4.0 của VNPT đang giúp tạo dựng một môi trường làm việc minh bạch và công bằng hơn. Có thể kể đến nền tảng Định danh và xác thực điện tử (VNPT eKYC), nền tảng chăm sóc khách hàng (VNPT SmartBot); nền tảng nhận diện khuôn mặt (VNPT FaceID), nền tảng nhận diện hình ảnh (VNPT SmartVision) đang giúp giải quyết những bài toán lớn của xã hội như xử lý vi phạm giao thông, bảo mật trong giao dịch tài chính, tư vấn hỗ trợ và giải đáp thắc mắc cho người dân..., qua đó tạo dựng một xã hội văn minh, công bằng.
Ở khía cạnh cuối cùng, khía cạnh Quản trị (G- Governance), tất cả các công nghệ giúp giải quyết một bài toán trong cuộc sống thì đều sẽ giúp nâng cao hiệu quả, minh bạch, đạo đức trong kinh doanh. Hệ sinh thái các dịch vụ số của VNPT cho người dân, doanh nghiệp sẽ giúp giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của con người vào xử lý công việc, qua đó, giúp quản trị rủi ro, giảm thiểu tham nhũng trong chính quyền và doanh nghiệp.
Xác định chuyển đổi số đi cùng chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường, VNPT thời gian qua đã nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái các dịch vụ, mà ở đó hướng tới giải quyết toàn vẹn cả ba chỉ tiêu lớn trong phát triển bền vững ESG.
VNPT đặt mục tiêu thực hiện đồng thời hai chiến lược, đột phá trong chuyển đổi số và hướng tới chuyển đổi xanh để giải quyết toàn vẹn bài toán phát triển bền vững. VNPT định vị mục tiêu không chỉ trở thành doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu tại Việt Nam, mà còn tiên phong trong xu thế chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, qua đó góp phần xây dựng một Việt Nam phát triển nhanh, xanh và bền vững.