Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu: Kinh nghiệm ở Thanh Trì
Đến thời điểm này, Thanh Trì là huyện thứ hai trên địa bàn thành phố Hà Nội (sau huyện Đan Phượng) đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 15/15 xã. Đạt được kết quả to lớn đó là nhờ địa phương có nhiều cách làm sáng tạo, bài bản, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện.
Bước chuyển ở những làng quê
Xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì) đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 trên 6 lĩnh vực: An ninh trật tự, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, chuyển đổi số. Đến Liên Ninh hôm nay có thể nhận thấy, làng quê đã đổi thay theo hướng khang trang, giàu đẹp và văn minh hơn.
Tại thôn Nội Am, địa phương làm điểm mô hình “thôn thông minh” trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã Liên Ninh nói riêng và huyện Thanh Trì nói chung, hệ thống wifi công cộng miễn phí được lắp đặt ở nhà văn hóa thôn, giúp người dân sử dụng và tra cứu thông tin thuận lợi. Là làng nghề sản xuất bánh nướng, bánh dẻo truyền thống, người dân Nội Am sử dụng khá thành thạo công nghệ để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Anh Hoàng Văn Tươi, một hộ làm bánh ở thôn Nội Am cho hay, trên địa bàn xã có 7 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó bánh dẻo và bánh nướng nhân thập cẩm đã được bán trên sàn thương mại điện tử, sản phẩm tiêu thụ tốt hơn và ngày càng có nhiều người biết đến.
Còn ở thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng, nghề may thu hút khoảng 225 hộ tham gia sản xuất, trong đó có 25 công ty, cơ sở sản xuất lớn có từ 30 đến 50 công nhân... Mỗi năm, làng nghề cung cấp cho thị trường khoảng 5 triệu sản phẩm, doanh thu bình quân 2,5 tỷ đồng/cơ sở đối với cơ sở lớn và khoảng 900 triệu đồng/hộ/năm.
Là địa phương còn nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp, xã Vĩnh Quỳnh đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất. Xã đã hình thành vùng sản xuất tập trung các giống Thiên ưu, BT09… và ứng dụng cơ giới hóa trên diện tích 120ha tại thôn Vĩnh Ninh, giúp tăng giá trị sản xuất từ 1,15 đến 1,2 lần so với sản xuất trước đây.
Đến nay, huyện Thanh Trì đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của cả 15/15 xã, vượt chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao giai đoạn 2021-2025. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đã từng bước định hình diện mạo mới cho các địa phương trên địa bàn. Kinh tế các xã có sự chuyển biến rõ nét, có bước phát triển mới theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, chất lượng, hiệu quả cao hơn. Trung tâm văn hóa xã và thôn được đầu tư, đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao của người dân. Hệ thống giao thông từ xã đến thôn khang trang, hiện đại. Các tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp ngày càng được nối dài; ao hồ được cải tạo, bảo đảm hài hòa về cảnh quan môi trường.
Chia sẻ cách làm hay
Nói về quyết tâm phấn đấu vượt kế hoạch thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, Thanh Trì đã đánh giá, nhìn nhận đúng thực tế các tiêu chí. Cụ thể, điều kiện bắt buộc đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu, đó là phải đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện đã bảo đảm có 100% số xã đạt. Đối với tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, các xã đều đạt trên 74 triệu đồng/người/năm trở lên. Còn 8 lĩnh vực tự chọn: An ninh trật tự; môi trường; sản xuất; y tế; văn hóa; giáo dục và đào tạo; du lịch; chuyển đổi số, nhiều năm nay, huyện Thanh Trì luôn chú trọng, quan tâm thực hiện. Từ nền tảng vững chắc đó, huyện đã chỉ đạo các xã bám sát vào bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu để triển khai thực hiện.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, kết quả đạt được là nhờ sự chỉ đạo, hướng dẫn từ thành phố, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức của người dân. Huyện ủy Thanh Trì đã xây dựng, ban hành nghị quyết, chương trình, trong đó xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong các nhiệm kỳ của các cấp ủy Đảng. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2025, huyện Thanh Trì phải thực hiện 2 nhiệm vụ chính trị quan trọng, đó là xây dựng nông thôn mới nâng cao và Đề án huyện phát triển thành quận, xã phát triển thành phường. Huyện ủy Thanh Trì đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ với phương châm, quan điểm: Đối với các tiêu chí trùng nhau giữa 2 bộ tiêu chí về nông thôn mới nâng cao và tiêu chuẩn phường thì thực hiện theo tiêu chuẩn cao hơn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép.
Trong thời gian tới, huyện Thanh Trì tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh. Đây là thành tích xứng đáng với những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì và là tiền đề để địa phương hướng đến mục tiêu cao hơn là xây dựng huyện thành quận.