Y tế

Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng mạnh: Không chủ quan với những biến chứng

Thu Trang 08/08/2024 - 06:52

Số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội tiếp tục tăng mạnh trong những tuần gần đây. Đặc biệt, các bệnh viện đã ghi nhận những ca bệnh nặng với biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao. Do đó, cùng với sự vào cuộc của ngành Y tế và chính quyền địa phương, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự phòng bệnh cho bản thân và gia đình.

benh-nhan-mac-sot-xuat-huye.jpg
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng phải điều trị lọc máu tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai).

Nhiều ca nhập viện trong tình trạng nặng

Sau gần 1 tuần xuất hiện sốt cao từng cơn, mệt mỏi, đau mỏi người, ăn kém, bà T.T.S (62 tuổi ở huyện Đan Phượng) mới vào viện. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), kết quả xét nghiệm cho thấy, bà S mắc sốt xuất huyết nặng (Dengue type 2). Với tiền sử tăng huyết áp, viêm khớp và phải dùng thuốc giảm đau thường xuyên nên chỉ sau 1 ngày nhập viện, tình trạng bệnh của bà diễn biến xấu, tiểu cầu giảm mạnh, men gan tăng cao, suy gan. Bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục và điều trị thêm kháng sinh. Do bệnh nhân suy đa tạng nên nguy cơ tử vong rất cao.

Không chỉ người cao tuổi, có bệnh nền mà ngay cả những người trẻ tuổi khi mắc sốt xuất huyết cũng có nguy cơ diễn biến nặng. Đơn cử như trường hợp của nam bệnh nhân (25 tuổi ở quận Hoàng Mai) sau khi sốt 5 ngày đã nhập viện, kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có tình trạng suy gan nặng, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc...

Đề cập đến tình hình điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết năm nay, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ngay trong tháng 7-2024, tại đây đã tiếp nhận hàng chục ca sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và biến chứng nguy hiểm. Điều khác biệt là năm nay, tại các huyện khu vực ngoại thành của Hà Nội như: Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ…, số ca bệnh xuất hiện sớm và nặng hơn mọi năm. Với sốt xuất huyết, giai đoạn nguy hiểm thường từ ngày thứ 3 đến thứ 7 của bệnh. Ở giai đoạn này, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, có các biểu hiện như: Đau bụng nhiều và liên tục; tăng cảm giác đau, nhất là ở vùng gan; xuất huyết dưới da… Thậm chí, ở một số trường hợp nặng có thể suy tạng, rối loạn tri giác, suy chức năng các cơ quan khác.

Trong khi đó, tại khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa), từ đầu năm 2024 đến nay, đã tiếp nhận điều trị cho hơn 100 bệnh nhân. Riêng trong tháng 5 và tháng 6-2024 không có ca bệnh. Thế nhưng, từ tháng 7-2024 đến nay, tại đây đã tiếp nhận khoảng 55 ca. Bác sĩ Dương Quốc Bảo, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết có nguy cơ tăng cao trong tháng 8 và tháng 9 tới. Vi rút gây bệnh có 4 loại tương ứng với 4 type (Dengue 1, 2, 3 và 4), trong đó năm nay lưu hành 3 type là Dengue 1, 2, 3. Khi có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để khám, điều trị. Sốt xuất huyết cần được chẩn đoán và có phác đồ điều trị sớm, tránh tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà.

Chủ động bằng nhiều biện pháp phòng bệnh

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tháng 6-2024, địa bàn Thủ đô ghi nhận từ 30 đến 70 ca sốt xuất huyết/tuần thì từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 đã tăng lên từ 120 đến 170 ca/tuần. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.579 ca mắc sốt xuất huyết và 57 ổ dịch. Còn 20 ổ dịch đang hoạt động.

Theo quy định, chỉ số BI điều tra số dụng cụ chứa nước có bọ gậy, muỗi vằn từ 30 trở lên, có nghĩa là tại cơ sở giám sát đang có yếu tố nguy cơ cao xảy ra dịch sốt xuất huyết. Riêng tại khu vực miền Bắc, chỉ số BI này quy định là từ 20 trở lên. Điều đáng nói, kết quả giám sát trong tuần qua (từ ngày 26-7 đến 2-8) trên địa bàn thành phố cho thấy, có nơi chỉ số BI vượt ngưỡng nguy cơ từ 3 đến 5 lần. Cụ thể, giám sát tại ổ dịch thôn 5 (xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ) có BI = 75; hay tại khu vực nguy cơ tiểu khu Đại Nam (thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên) có BI = 105...

Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương) cho rằng, khoảng 95% muỗi truyền bệnh hay bọ gậy có ở xung quanh hoặc trong nhà. Thế nhưng, một bộ phận lớn người dân rất chủ quan, không quan tâm xem xung quanh nhà mình có bọ gậy, muỗi truyền bệnh hay không. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, sốt xuất huyết chỉ xuất hiện ở khu vực ngoại thành, nơi có nhiều bụi rậm, ao tù, nước đọng. Đây là một quan điểm sai lầm. Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết không đẻ trứng ở nơi ao tù, cống rãnh mà ở dụng cụ chứa nước sạch.

Vì vậy, việc phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh không có tác dụng với muỗi truyền bệnh.

“Cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, mỗi người dân cần loại bỏ những dụng cụ chứa nước ngay trong chính ngôi nhà mình. Ngoài ra, mỗi người dân cần chủ động các biện pháp phòng muỗi đốt, nên ngủ màn (cả ban ngày). Các địa phương cần tăng cường các tổ, đội xung kích diệt bọ gậy, đi từng ngõ, gõ từng nhà, nhắc người dân hằng ngày, hằng tuần kiểm tra trong nhà, sân thượng để loại bỏ các vật dụng chứa nước...”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng lưu ý.