Chân dung người đứng đầu chính phủ lâm thời Bangladesh
Với tư cách người đứng đầu chính phủ lâm thời, ông Muhammad Yunus giữ trọng trách giúp Bangladesh vượt qua giai đoạn chuyển tiếp sau khi nữ Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức.
Sinh ra tại thành phố cảng Chittagong năm 1940, Muhammad Yunus giành giải Nobel Hòa bình năm 2006 vì tiên phong trong ý tưởng về tín dụng vi mô. Sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời bỏ đất nước, những sinh viên đứng sau các cuộc biểu tình thúc đẩy ông Muhammad Yunus nắm quyền lãnh đạo. Ngày 6-8, sau cuộc họp kéo dài suốt 6 giờ giữa đại diện sinh viên, Tổng thống Mohammed Shahabuddin và nhiều quan chức cấp cao, ông Muhammad Yunus đã được chọn làm lãnh đạo chính phủ lâm thời cho đến khi các cuộc bầu cử được tổ chức.
Hành trình đến Giải Nobel Hòa bình 2006
Muhammad Yunus nhận bằng cử nhân kinh tế Đại học Dhaka năm 1960 và sau đó là bằng thạc sĩ năm 1961. Năm 1971, ông tiếp tục lấy bằng tiến sĩ cùng chuyên ngành tại Đại học Vanderbilt.
Năm 1974, nạn đói xảy ra tại Bangladesh khi ông Muhammad Yunus đang giảng dạy kinh tế tại Đại học Chittagong. Những người dân làng có thu nhập thấp ở thị trấn Jobra gần đó phải vay tiền với lãi suất cao ngất ngưởng. Khi không thể trả nợ, một số người đã bị buộc làm nô lệ.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016 với Viện Phụ nữ, Hòa bình và An ninh Georgetown, ông Muhammad Yunus cho biết, thay vì phụ thuộc vào những khoản vay với lãi suất “cắt cổ”, người nghèo có thể nhận và trả một khoản vay nhỏ. Đây là ý tưởng dẫn đến sự ra đời của khái niệm tín dụng vi mô.
Năm 1983, ông Muhammad Yunus thành lập ngân hàng Grameen để cung cấp những khoản vay nhỏ cho người nghèo, đặc biệt là phụ nữ, những người không có tài sản thế chấp nên không đủ điều kiện đi vay thông thường.
Kể từ khi ông Muhammad Yunus lần đầu tiên phát triển khái niệm về các khoản vay nhỏ cách đây hơn 30 năm, phương thức hoạt động của ngân hàng Grameen đã trở nên phổ biến, đặc biệt đối với những chương trình nhằm mục đích đưa phụ nữ vùng nông thôn thoát đói nghèo.
Vào thời điểm ông Muhammad Yunus giành Giải Nobel Hòa bình năm 2006, hơn 7 triệu người đi vay đã nhận được các khoản vay nhỏ dài hạn với những điều khoản dễ dàng. Hơn 95% các khoản vay của ngân hàng Grameen đã được chuyển cho phụ nữ.
Thành công của ngân hàng Grameen trong việc hỗ trợ người nghèo đã dẫn đến những mô hình tương tự ở nhiều quốc gia khác. Nhờ nỗ lực tạo ra sự phát triển kinh tế và xã hội đối với người nghèo, ông Muhammad Yunus đã được Ủy ban Giải Nobel Hòa bình vinh danh năm 2006.
Đối thủ chính trị của Thủ tướng Sheikh Hasina
Mối quan hệ giữa Muhammad Yunus và Thủ tướng Sheikh Hasina trở nên căng thẳng ngay sau khi ông tuyên bố muốn tham gia chính trường năm 2007. Năm 2008, chính quyền Thủ tướng Sheikh Hasina tiến hành loạt cuộc điều tra với cáo buộc ông sử dụng vũ lực để buộc phụ nữ nghèo ở nông thôn phải trả lại tiền đã vay tiền từ ngân hàng Grameen.
Năm 2011, chính quyền Thủ tướng Sheikh Hasina bắt đầu kiểm tra hoạt động của ngân hàng Grameen, trước khi buộc ông Muhammad Yunus phải từ chức với lý do quá tuổi nghỉ hưu hợp pháp là 60. Tháng 1-2024, ông Muhammad Yunus bị kết án 6 tháng tù với cáo buộc vi phạm luật lao động. Sáu tháng sau, ông và nhiều người khác tiếp tục bị Tòa án Bangladesh truy tố tội danh biển thủ quỹ phúc lợi của một công ty viễn thông.
Dưới thời của Thủ tướng Sheikh Hasina, ông Muhammad Yunus phải đối mặt với hơn 100 vụ kiện về rửa tiền, vi phạm luật lao động, phá hoại luật hưu trí, cùng nhiều cáo buộc khác. Chủ nhân của Giải Nobel Hòa bình năm 2006 kịch liệt phủ nhận mọi cáo buộc, đồng thời kỳ vọng những “vụ kiện giả mạo” sẽ bị hủy bỏ sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức.
Vì sao sinh viên muốn ông Muhammad Yunus lãnh đạo?
Trước khi Thủ tướng Sheikh Hasina rời đất nước, Bangladesh chìm trong căng thẳng bởi nhiều tuần biểu tình phản đối hạn ngạch ưu tiên của chính phủ trong một số việc làm khu vực công. Các cuộc biểu tình dẫn đến đụng độ với lực lượng an ninh, khiến hơn 250 người thiệt mạng.
Khi tổ chức biểu tình phản đối Thủ tướng Sheikh Yunus, các sinh viên cũng hướng đến một đối thủ chính trị có quan điểm khác biệt với nữ chính trị gia từng cầm quyền suốt 15 năm. Trong bối cảnh này, người được đề cử chính vào vị trí đứng đầu chính phủ Bangladesh lâm thời chính là ông Muhammad Yunus.