Cải cách hành chính

Sắp xếp đơn vị hành chính: Tạo đồng thuận, giải những bài toán khó Bài 3: Quyết tâm cao nhưng không nóng vội

Nhóm phóng viên 07/08/2024 - 07:05

Một đề án lớn đang được triển khai với nhiều kỳ vọng. Sắp xếp không là phép tính cộng của những con số, như cắt giảm được bao nhiêu đơn vị, bao nhiêu cán bộ…, mà mục tiêu hướng tới chính là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo dựng không gian phát triển mới.

Hà Nội đã triển khai nhiệm vụ này một cách bài bản - quyết tâm cao, nhưng không nóng vội; gắn việc sắp xếp với đánh giá thực chất năng lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, nâng cao mức sống của người dân, cũng như tạo được tiếng nói chung, đồng thuận trong cộng đồng.

chuong-my.jpg
Tổ công tác của huyện Chương Mỹ tuyên truyền, lấy ý kiến người dân về sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn.

Dân chủ, công khai, đúng quy định

Sắp xếp đơn vị hành chính là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động lớn đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và tư tưởng, tâm lý của người dân, cùng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức..., lại cần hoàn thành trong thời gian ngắn với nguồn lực có hạn. Chính vì vậy, thành phố lưu ý trong quá trình triển khai, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, bảo đảm đúng quy định, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, không cầu toàn, không nóng vội, đạt đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và người dân.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, theo tiêu chí về diện tích và dân số, thành phố Hà Nội có 173 xã, phường, thị trấn và 1 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp và theo Nghị quyết số 35/2023/UVTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sắp xếp phải bảo đảm các tiêu chí về quốc phòng, an ninh, truyền thống lịch sử, văn hóa, tốc độ phát triển đô thị và trình độ phát triển kinh tế… Theo đó, thành phố rà soát, xem xét, đánh giá, lựa chọn phương án phù hợp nhất. Ngày 15-11-2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Phương án số 01/PA-UBND tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố gửi Bộ Nội vụ. Với phương án này, dự kiến tác động đến khoảng 156 xã, phường, thị trấn, giảm khoảng 70 đơn vị hành chính.

Cuối năm 2023, Bộ Nội vụ đã có văn bản, cơ bản thống nhất với phương án do UBND thành phố trình, có điều chỉnh, bổ sung một số điểm. Bộ Nội vụ cũng yêu cầu đến ngày 31-5-2024, thành phố phải hoàn thành đề án, gửi Bộ Nội vụ thẩm định để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Sau khi có báo cáo giải trình với Bộ Nội vụ; các sở, ban, ngành liên quan kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn, các bước, quy trình, hồ sơ thủ tục thực hiện (Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Tư pháp đã có các văn bản hướng dẫn cụ thể).

Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, ngày 22-3-2024, UBND thành phố đã có Văn bản số 778/UBND-NC chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến cử tri; Sở Nội vụ đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị lập danh sách cử tri, lấy ý kiến cử tri, việc xây dựng đề án và lộ trình triển khai... Các quận, huyện, thị xã thực hiện đủ thời gian niêm yết danh sách cử tri và tiến hành lấy ý kiến đúng lộ trình, kế hoạch đề ra...

Đồng bộ giải pháp, đồng thuận nhân dân

Ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy, đa số cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp nhận thức rõ việc sắp xếp đơn vị hành chính là nhiệm vụ quan trọng, yêu cầu cấp thiết, nên chủ động rà soát, đối chiếu các tiêu chí, tiêu chuẩn; tìm tài liệu kiểm chứng về điều kiện đặc thù; xây dựng phương án bố trí điều kiện cơ sở vật chất, con người, bảo đảm tối ưu hiệu quả hoạt động, quyền, lợi ích hợp pháp cho đội ngũ cán bộ, doanh nghiệp và người dân.

Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Thường Tín Lê Mạnh Cường, để công tác sắp xếp đúng tiến độ đề ra, từ năm 2023, cơ quan đã tập trung nhân lực cùng các xã, thị trấn rà soát thông tin, số liệu, tìm các tài liệu kiểm chứng về địa giới hành chính, quy hoạch, nhất là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị; cân nhắc các phương án sắp xếp đơn vị hành chính phù hợp quy định của pháp luật và lộ trình sắp xếp của Trung ương, thành phố, vừa tạo không gian phát triển tốt nhất cho địa phương, vừa tạo động lực cho người dân đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Việc lấy ý kiến cử tri đã được các địa phương thực hiện bài bản theo tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch. Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng thông tin, huyện đã yêu cầu các xã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác lấy ý kiến cử tri về đề án; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho các thành viên 107 tổ lấy ý kiến cử tri ở các thôn; chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, địa điểm bỏ phiếu, mẫu phiếu, hòm phiếu...

“Các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn trên địa bàn huyện, nhất là 14 xã thuộc diện sáp nhập giai đoạn 2023-2025 đã tích cực thông tin, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về nội dung đề án và căn cứ pháp lý; sự cần thiết thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025; phương án sắp xếp các đơn vị hành chính bằng các hình thức, như hội nghị sinh hoạt chi bộ, Đảng bộ, qua hệ thống Đài Truyền thanh, mạng xã hội Zalo, Facebook; nắm bắt dư luận để tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân”, ông Ngô Tiến Hoàng nói.

Cũng trong câu chuyện này, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho hay, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc Ban Chỉ đạo, ban hành chỉ thị về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn. Huyện đã xây dựng đề án, kế hoạch, hướng dẫn 4 xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025, là: Hồng Phong, Đồng Phú, Phú Nam An, Hòa Chính. Các xã này đã lập, niêm yết danh sách cử tri, thành lập tổ phát phiếu, tổ tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn về việc sắp xếp đơn vị hành chính và nhận được sự đồng thuận cao từ các cử tri (từ 97 đến 100%)...

Bà Trần Thị Ngà ở thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính chia sẻ: “Tôi thấy việc sắp xếp 2 xã (Hòa Chính và Phú Nam An) chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho người dân và tên gọi mới của xã sau khi sắp xếp là Hòa Phú là phù hợp. Mọi băn khoăn của người dân về thủ tục hành chính đều được cán bộ địa phương nhiệt tình hướng dẫn, nên người dân chúng tôi đều chấp hành chủ trương lớn này”.

Tại quận Ba Đình, khi lấy ý kiến cử tri về việc sáp nhập phường Nguyễn Trung Trực và phường Trúc Bạch đã có 100% số cử tri tham gia bỏ phiếu. Về việc sáp nhập phường Nguyễn Trung Trực và phường Trúc Bạch, tỷ lệ cử tri phường Nguyễn Trung Trực đồng ý là 98,13%; phường Trúc Bạch là 99,92%. Còn tên gọi đơn vị hành chính khi sắp xếp là phường Trúc Bạch, tỷ lệ cử tri phường Nguyễn Trung Trực đồng ý là 97,56% và phường Trúc Bạch là 100%. Tương tự, tại quận Hà Đông, số cử tri lấy ý kiến trên địa bàn 3 phường: Yết Kiêu, Quang Trung, Nguyễn Trãi là 25.149 người. Kết quả, 100% cử tri tham gia; 98,55% đồng ý phương án sắp xếp đơn vị hành chính mới; 98,06% đồng ý tên gọi mới sau khi sắp xếp là phường Quang Trung.

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn cho biết, hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội gửi Bộ Nội vụ tương đối đầy đủ, đúng quy định, với nhiều nội dung; số đơn vị sắp xếp lớn. Hà Nội cũng có lộ trình sắp xếp bộ máy của các cơ quan, tổ chức và có phương án giải quyết đối với cán bộ, công chức, người lao động dôi dư sau thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; đồng thời có phương án quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản công...

(Còn nữa)

Tổng số cử tri tham gia cho ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội là 924.677 cử tri, đạt tỷ lệ 99,02%; tổng số cử tri đồng ý về việc sắp xếp đơn vị hành chính đạt tỷ lệ 97%; tổng số cử tri đồng ý về tên gọi đơn vị hành chính mới sau sắp xếp đạt tỷ lệ 96,54%. HĐND các cấp cũng đã tổ chức kỳ họp chuyên đề thảo luận, biểu quyết, thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn. Trong đó có 87 xã và 5 thị trấn đã tổ chức kỳ họp chuyên đề, tỷ lệ đại biểu HĐND tham dự kỳ họp tán thành chủ trương đạt 100%; 20 quận, huyện, thị xã đã tổ chức kỳ họp chuyên đề, tỷ lệ đại biểu HĐND tham dự kỳ họp tán thành chủ trương đạt 100%.