Giáo dục

Chênh lệch tỷ lệ chọn môn xã hội và tự nhiên: Lo ngại cần sớm hóa giải!

Thống Nhất 07/08/2024 - 06:20

Trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm gần đây, liên tục ghi nhận tình trạng số lượng thí sinh có xu hướng đăng ký bài thi các môn khoa học xã hội cao gấp nhiều lần so với các môn khoa học tự nhiên.

Thực tế này kéo theo nhiều lo ngại, trong đó có sự mất cân bằng về nguồn đầu vào ở các trường đại học và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nguồn nhân lực các ngành.

thi.jpg
Thí sinh hoàn thiện các thủ tục của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên). Ảnh: Minh Khang

Đăng ký thi khoa học xã hội liên tục tăng

Ghi nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, trong tổng số hơn 1,07 triệu thí sinh đăng ký dự thi, có hơn 670 nghìn thí sinh chọn bài thi các môn khoa học xã hội (gồm lịch sử, địa lý, giáo dục công dân), chiếm tỷ lệ đến 63%; trong khi tỷ lệ thí sinh chọn bài thi các môn khoa học tự nhiên (gồm vật lý, hóa học, sinh học) chỉ là 37%.

Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Huỳnh Văn Chương cho biết, tỷ lệ thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay là cao nhất, kể từ năm 2017 tới nay. So với năm 2023, tỷ lệ thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội tăng 7,7%. Không chỉ xảy ra trong năm nay, theo ghi nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ số lượng thí sinh đăng ký chọn bài thi các môn khoa học xã hội nhiều hơn so với các môn khoa học tự nhiên đã diễn ra nhiều năm nay.

Tại Hà Nội, khảo sát nhanh tại các trường học trên địa bàn Hà Nội cho thấy, số lượng học sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp các năm gần đây liên tục tăng. Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) Đinh Thị Nga cho biết, năm 2024, trường có 448 học sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội (chiếm 64%), trong khi chỉ có 249 học sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên (chiếm 36%). Tương tự, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) có 60% số học sinh chọn bài thi khoa học xã hội. Thậm chí, nhiều năm gần đây, năm nào tỷ lệ học sinh chọn bài thi khoa học xã hội cũng chiếm quá nửa tổng số học sinh toàn trường. Trên phạm vi toàn thành phố, số thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay là gần 88.300 em, trong khi số thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên chỉ là 21.000 em.

Theo tìm hiểu thực tế, nhiều học sinh cho rằng việc chọn bài thi khoa học xã hội có nhiều ưu thế như dễ học, dễ đạt điểm cao hơn so với chọn bài thi khoa học tự nhiên, nhất là với các môn vốn cần học vững và có kiến thức nền tảng từ đầu cấp như hóa học, sinh học... Khi điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao, cơ hội trúng tuyển đại học của học sinh cũng tốt hơn.

Lo ngại mất cân đối cơ cấu nguồn nhân lực

Sự chênh lệch lớn về tỷ lệ học sinh học, đăng ký thi bài thi khoa học xã hội so với bài thi khoa học tự nhiên kéo theo nhiều lo ngại, nhất là sự mất cân bằng về nguồn tuyển sinh ở các trường đại học.

Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại Nguyễn Quang Trung nhận định, có thể thấy lĩnh vực khoa học xã hội đang chiếm ưu thế. Tình trạng này có thể dẫn đến nguy cơ nguồn tuyển sinh của các trường, ngành đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật giảm.

Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, các chuyên gia lo ngại có thể dẫn đến mất cân đối về cơ cấu nguồn nhân lực. Các ngành khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, kỹ thuật… có nguy cơ đối diện với việc thiếu lực lượng lao động trình độ cao. Thậm chí, thông tin từ một số trường đại học khối khoa học tự nhiên cho biết đang nghiên cứu, cân nhắc về việc có nên sử dụng thêm một số môn khối khoa học xã hội (như lịch sử, giáo dục công dân…) để đưa vào tổ hợp xét tuyển từ năm 2025 hay không.

Đề cập đến nội dung này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nhận định, việc học tập của học sinh phổ thông hiện nay chủ yếu đáp ứng kỳ thi tốt nghiệp, chứ chưa hẳn vì mục tiêu phát triển bản thân. Nhiều trường quan tâm tới tỷ lệ đỗ tốt nghiệp và trúng tuyển đại học hơn là việc các ngành nghề đó có phù hợp với năng lực, sở trường của học sinh hay không. Còn các cơ sở giáo dục đại học ngày càng mở ra nhiều tổ hợp xét tuyển rộng, xen lẫn môn khoa học tự nhiên với môn khoa học xã hội, cốt để tuyển được nhiều sinh viên. Để giải quyết tình trạng này, theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức khảo sát thực tế, có đánh giá cụ thể về nguy cơ mất cân đối nguồn tuyển sinh và chất lượng nguồn tuyển sinh của các ngành để có giải pháp phù hợp, kịp thời.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng đào tạo, Trường Đại học Giao thông vận tải cũng cho rằng, các trường phổ thông cần quan tâm hơn đến công tác giáo dục hướng nghiệp, giúp học sinh hiểu rõ hơn về năng lực cần có của từng nhóm ngành nghề và tự ý thức về trách nhiệm của mình trong việc lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp. Các trường cũng cần có giải pháp tạo sự cân bằng, hài hòa trong việc học sinh chọn học các môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên.

Thực tế, nhiều học sinh trung học phổ thông hiện nay chọn môn khoa học xã hội chưa hẳn là yêu thích hoặc có sở trường, mà vì số đông hoặc để nhằm đạt mục tiêu tốt nghiệp với điểm số cao, tăng cơ hội trúng tuyển đại học. Rõ ràng, những lo ngại đặt ra là có cơ sở, đòi hỏi cơ quan chức năng sớm có giải pháp.