Hướng đến mục tiêu dân số chất lượng tốt, lao động đông đảo, thu nhập cao
Đó là thông tin được nhấn mạnh tại hội thảo “Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương” do Bộ Y tế tổ chức ngày 6-8, tại Hà Nội.
Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ năm 2023 là 1,96 và tỷ lệ tăng dân số là 0,84%. Đáng chú ý, xuất hiện xu hướng mức sinh xuống thấp, chênh lệch về mức sinh giữa các vùng, đối tượng chưa được khắc phục.
Cụ thể, vùng Đông Nam Bộ có mức sinh thấp nhất cả nước, bình quân 1,47 con/phụ nữ. Mức sinh cao nhất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 2,4 con/phụ nữ.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, mức sinh thay thế ở nước ta chưa thực sự bền vững. Thêm vào đó, già hóa dân số tăng nhanh, chưa có giải pháp đồng bộ để phát huy hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng.
Ngoài ra, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng (năm 2023 là 74,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh chưa tương xứng. Mặt khác, phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập. Các yếu tố liên quan đến công tác dân số chưa được lồng ghép một cách hệ thống trong hoạch định, thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Y tế được giao chủ trì xây dựng dự án Luật Dân số, hiện đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các chính sách. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, việc xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số hiện nay là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới.
“Mục tiêu hướng đến năm 2045, Việt Nam là nước có dân số chất lượng tốt, lực lượng lao động đông đảo, thu nhập cao...”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế chia sẻ những kinh nghiệm và bài học từ những quốc gia khác đã thành công trong việc xây dựng, thực thi các chính sách dân số.
Các đại biểu cho rằng, trước thách thức về mức sinh hiện nay, đòi hỏi những giải pháp mới, linh hoạt cho từng vùng. Để triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, điều kiện cần là bảo đảm nguồn lực cho chương trình.
Trước đây, Việt Nam chỉ tập trung thực hiện giảm sinh trên phạm vi toàn quốc thì hiện nay chúng ta đang phải thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa thực hiện nhiệm vụ giảm sinh ở nơi có mức sinh cao, vừa vận động, khuyến khích sinh đủ 2 con ở nơi có mức sinh thấp và duy trì kết quả ở những địa phương đã đạt mức sinh thay thế.
Do đó, chính sách đầu tiên trong dự án Luật Dân số là duy trì mức sinh thay thế. Mục tiêu đặt ra là xây dựng các biện pháp duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước. Cùng với đó, quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con; bảo đảm quyền con người trong thực hiện chính sách dân số; góp phần khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, các đối tượng.