Nhập khẩu hàng hóa, nguyên phụ liệu tháng 7 tăng 11%
Tin từ Bộ Công Thương hôm nay (5-8) cho biết, trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tăng mạnh nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7-2024 ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 11% so với tháng trước.
Cụ thể, nhập khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 11,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,6 tỷ USD, tăng 10,8% so với tháng 6-2024 và tăng tới 24,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 78 tỷ USD, tăng 21,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 134,9 tỷ USD, tăng 16,9%.
Trong 7 tháng, có 35 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 10 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 62,5%).
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, chiếm 89% tổng kim ngạch nhập khẩu trong 7 tháng qua là nhóm hàng phục vụ sản xuất, gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu, với kim ngạch ước đạt 189,3 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, riêng kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 58,8 tỷ USD, tăng tới 28,1% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 27,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 79,2 tỷ USD, tăng tới 34,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 37,2% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; tiếp đến là Hàn Quốc ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 12,6%; khu vực ASEAN ước đạt 26,5 tỷ USD, tăng 13,3%; Nhật Bản ước đạt 12,4 tỷ USD, tăng 4,6%; EU ước đạt 9,2 tỷ USD, tăng 8,7%; Hoa Kỳ ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 6,2%.