Nguyên nhân nào khiến chứng khoán “rơi”?
Phiên ngày 5-8, trên sàn thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết cổ phiếu giảm giá, trong đó có tới gần 100 mã giảm kịch sàn. Chỉ số VN-Index “rơi” tới 48,53 điểm, xuống dưới mốc 1.200 điểm.
Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối Phân tích và Phát triển sản phẩm, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam xung quanh diễn biến thị trường.
- Nguyên nhân nào khiến thị trường chứng khoán trong nước giảm mạnh trong phiên hôm nay, thưa ông?
- Theo tôi, nguyên nhân chính là ảnh hưởng từ đà bán tháo trên thị trường quốc tế, đặc biệt là tại thị trường châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… làm dấy lên tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trên thế giới về nguy cơ khủng khoảng. Vì thế, làn sóng bán tháo tại thị trường chứng khoán Việt Nam là không tránh khỏi.
Bên cạnh đó, vào phiên chiều, khi chỉ số VN-Index xuyên thủng mốc 1.200 điểm đã kích hoạt tâm lý bán tháo của nhà đầu tư vì lo sợ tình trạng bán mạnh có thể tiếp tục xảy ra trong phiên ngày mai nên tâm lý chung của nhà đầu tư càng chủ động bán vào chiều nay.
- Ngoài những yếu tố trên, liệu thị trường giảm mạnh có phải do “call margin (lệnh gọi ký quỹ) không, thưa ông?
- Thông thường, công ty chứng khoán sẽ cảnh báo khách hàng trước khi thực hiện call margin. Thực ra, phiên hôm nay có thể xảy ra call margin vì với phiên giảm buổi sáng và việc đồng loạt bán tháo ở thị trường chứng khoán thế giới nên có thể các công ty chứng khoán đã bắt đầu cảnh báo. Vì thế, call margin ở đây là theo hướng chủ động. Khách hàng chủ động trong việc bán bởi có thể họ lo ngại khi VN-Index thủng mốc 1.200 điểm, và các chỉ số chứng khoán toàn cầu giảm mạnh nên tâm lý chung là nếu không bán thì phiên ngày mai có thể công ty chứng khoán sẽ thực hiện bán.
- Trong phiên giảm hôm nay, cổ phiếu lớn nhỏ đều giảm, song cổ phiếu ngành chứng khoán giảm rất mạnh, vì sao thưa ông?
- Chứng khoán thường là ngành bị giảm ngay mỗi khi thị trường có dấu hiệu xấu, vì đây là ngành kinh doanh trực tiếp. Bên cạnh đó, với kết quả kinh doanh quý II-2024 của nhóm chứng khoán, mức tăng trưởng chủ yếu đến từ hoạt động tự doanh mà không phải từ môi giới hay cho vay. Vì thế, khi thị trường giảm sâu, tài khoản tự doanh sẽ bị ảnh hưởng, và lo ngại về kết quả kinh doanh quý III nên nhóm này bị đẩy mạnh bán ra.
- Ông có nhìn thấy điểm tích cực gì trong phiên hôm nay không?
- Tôi nghĩ, điểm tích cực là định giá. Thị trường đã giảm sâu, định giá hiện nay đang rất thấp. Các chỉ số và cổ phiếu hầu hết đã giảm về mức đáy của tháng 4 vừa qua, tức đã về vùng hấp dẫn để thu hút dòng tiền quay trở lại thị trường. Sự hấp dẫn của thị trường đang tăng lên so với rủi ro.
- Ông dự báo như thế nào về thị trường trong những phiên tới?
- Hiện nay, chỉ số VN-Index đang về vùng đáy của tháng 4, định giá về mức thấp. Theo nhìn nhận, năm nay, không có nhiều lý do để chỉ số VN-Index thủng mốc 1.200 điểm song điều này lại xảy ra. Vì vậy, tôi cho rằng, một vài phiên tới, thị trường chứng khoán sẽ hồi phục và lấy lại mốc 1.200 điểm, bởi với đà bán tháo xảy ra đồng loạt trên toàn cầu, tất cả yếu tố xấu và rủi ro đã phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu ngày hôm nay.
- Vậy, ông có lời khuyên gì với nhà đầu tư?
- Nhà đầu tư đang nắm tỷ trọng cổ phiếu cao, nếu không áp lực về call margin thì không cần thiết bán vào thời điểm này vì sẽ bất lợi. Với nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn, nếu có “khẩu vị” rủi ro cao, có thể cân nhắc giải ngân thăm dò với tỷ trọng thấp; nếu ngại rủi ro, có thể chờ đến khi thị trường xác lập xu hướng rõ hơn. Theo quan điểm của tôi, hiện vùng này giải ngân là khá hợp lý trong bối cảnh kinh tế trong nước đang giai đoạn hồi phục và tăng trưởng thời gian tới.
- Trân trọng cảm ơn ông!