Văn hóa

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”:Người họa sĩ 60 năm cầm cọ và tình yêu Hà Nội

Dương Linh 05/08/2024 13:28

Với họa sĩ Nguyễn Du (sinh năm 1943) ở Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, vẽ tranh cổ động như hơi thở cuộc sống. Dù đã ở tuổi 81, sức khỏe không còn như trước, nhưng người họa sĩ tài ba, dung dị ấy vẫn vẽ say mê, nhất là về Hà Nội, vì Hà Nội.

Tuổi trẻ cống hiến

Họa sĩ Nguyễn Du sinh ra ở quận Hoàn Kiếm. Năm 1963, Thành đoàn Hà Nội phát động phát động phong trào “Thanh niên xung phong tình nguyện Tháng 8 Thủ đô đi xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa miền núi”. Chàng trai trẻ Nguyễn Du năm đó vừa tròn 20 tuổi và đang là sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) cũng tham gia thanh niên xung phong, làm nhiệm vụ ở Đội Đại tu đường sắt, mở đường sắt từ Yên Bái đến Lào Cai để vận tải quân lương, khí tài phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ.

2b3bd47b2fab8af5d3ba.jpg
Logo của Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam do họa sĩ Nguyễn Du sáng tác. Ảnh: Bảo Lâm

Kể cho tôi nghe về một thời tuổi trẻ, ông Du nhớ lại: “Ai đã từng đi mới biết “Nước Bảo Hà, ma Trải Hút, cọp Lâm Giang” ám ảnh như thế nào. Những ngày đầu tiên công việc lại mới mẻ, nặng nhọc và dụng cụ lao động thô sơ, khi chưa quen với cái nắng cháy da ban ngày và cái rét cắt thịt ban đêm, nhiều người da sạm đen, tay phồng rộp”.

Chàng trai thanh niên Thủ đô tài hoa ấy vừa hăng say phá núi mở đường, cải tạo tuyến đường sắt, vừa kẻ, vẽ những khẩu hiệu, báo tường, tranh cổ động, vừa sáng tác các vở kịch ngắn để cổ vũ cho đơn vị và địa phương nơi đóng quân.

“Dù điều kiện lao động gian khổ, nhưng với tinh thần sục sôi của tuổi trẻ, không ai nản chí”, ông Du kể tiếp.

Nhờ có tài năng nghệ thuật, ông Du được điều về Ban Thi đua, Cục Bảo đảm giao thông cầu đường (Tổng cục Đường sắt) để xây dựng Đoàn văn công xung kích của Tổng cục. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ông được điều động về Phòng Công tác chính trị (Trường Đại học Giao thông vận tải) và làm việc tại đây đến lúc nghỉ hưu.

375c1333ebe34ebd17f2.jpg
Họa sĩ Nguyễn Du chia sẻ về một thời tuổi trẻ và đam mê vẽ tranh cổ động của mình. Ảnh: Bảo Lâm

Thời gian này, ngoài công việc chuyên môn, họa sĩ Nguyễn Du còn sáng tác tranh cổ động phục vụ lao động sản xuất, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và công cuộc đổi mới đất nước… Họa sĩ Nguyễn Du cũng thiết kế nhiều logo, như: Logo Olympic Cơ học toàn quốc (hiện đang sử dụng làm Huy chương vàng, bạc, đồng để trao cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng đoạt giải); logo Trường Đại học Thương mại… Nhưng ít người biết được rằng, ông chính là người sáng tác ra logo Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam. Đến nay, sau gần 20 năm, đây vẫn là chiếc logo đầu tiên và duy nhất của Hội.

“Hội Cựu thanh niên xung phong được thành lập ngày 19-12-2004. Tháng 2-2006, khi ấy tôi đang công tác tại Trường Đại học Giao thông vận tải được mời đến dự lễ phát động cuộc thi sáng tác logo Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam. Sau 2 tháng suy nghĩ, tìm tòi ý tưởng, tôi đã hoàn thành logo. Vượt qua các tác phẩm của nhiều họa sĩ, tác phẩm của tôi đã đáp ứng được mọi tiêu chí của Trung ương Hội, nên Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam Nguyễn Anh Liên ký duyệt là logo chính thức của Hội, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả năm 2015”, họa sĩ Nguyễn Du tự hào nói.

Ông nói rằng, có lẽ những năm tháng tuổi trẻ hăng say lao động, cống hiến cho đất nước đã giúp ông có những ý tưởng sáng tạo và cho ra đời tấm logo để đời này.

Hiện nay, họa sĩ Nguyễn Du đang là Trưởng ban liên lạc Cựu thanh niên xung phong Đội Duy tu đường sắt kiêm Trưởng ban liên lạc Đoàn văn công xung kích Tổng cục Đường sắt.

Vì tình yêu Hà Nội

Ở tuổi 81, hoạ sĩ Nguyễn Du vẫn ngày ngày lên phác thảo, vẽ hình, kẻ chữ cho tranh cổ động. Theo đuổi dòng tranh cổ động từ những năm còn trẻ, nhưng với họa sĩ Nguyễn Du, dấu mốc lịch sử của Thủ đô và đất nước luôn là nguồn cảm hứng bất tận khiến ông đam mê, trăn trở.

d43430d8c60863563a19.jpg
Những bức tranh cổ động chào mừng 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô của họa sĩ Nguyễn Du. Ảnh: Bảo Lâm

Với hơn 60 năm cầm cọ vẽ tranh, đến nay, ông đã sáng tác hàng trăm tác phẩm, chủ yếu là sáng tác tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm lớn của Thủ đô và đất nước. Nhiều tác phẩm được tuyển chọn trưng bày tại các triển lãm trong nước và quốc tế. Nhiều tác phẩm được in ấn trong các tuyển tập tranh cổ động của các bộ, ngành…

Họa sĩ Nguyễn Du bày tỏ: “Người họa sĩ chính là chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa. Muốn có một bức tranh cổ động tốt, rõ ràng về nội dung, hấp dẫn về hình thức, họa sĩ phải nghiên cứu kĩ đề tài và tìm cách thể hiện một cách khái quát sao cho cô đọng, dễ hiểu. Dù hiện nay không còn mấy ai vẽ tay khi sáng tác tranh cổ động, nhưng chỉ khi tự tay tôi phác họa từng chi tiết mới thể hiện được ý tứ, cái hồn trong mỗi tác phẩm”.

Họa sĩ Nguyễn Du cũng từng giành nhiều giải thưởng lớn, trong đó năm 2002, ông đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi sáng tác tranh cổ động toàn quốc tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI du Cục Văn hóa thông tin cơ sở tổ chức; giải Ba Cuộc thi tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2004; giải Ba Cuộc thi sáng tác tranh đả kích và châm biếm các tệ nạn xã hội năm 2005 của Bộ Văn hóa; giải Ba Cuộc thi tranh cổ động tuyên truyền chào mừng 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô năm 2019 với tác phẩm “Xứng danh Thành phố vì hòa bình”…

Khoe với tôi những tác phẩm vừa nộp đi dự thi chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, ông Du hào hứng, say mê nói: “Khi biết tin có cuộc thi về 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, tôi đã trằn trọc nhiều đêm mất ngủ để suy nghĩ về đề tài. Phác ra rất nhiều giấy để sáng tạo ra những tác phẩm này. Tưởng chừng rất đơn giản, nhưng từ Tháp Rùa, đến đàn chim, hay biểu tượng hòa bình…, tất cả đều hướng đến giải phóng Thủ đô tức là mong muốn hòa bình. Nếu những bức tranh cổ động về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nhắc nhớ mỗi thế hệ về tình yêu đất nước và tinh thần dân tộc thì những bức về Ngày Giải phóng Thủ đô lại khơi dậy tình yêu hòa bình, tình yêu và trách nhiệm với mảnh đất ngàn năm văn hiến”.

8d3ef5aa0d7aa824f16b.jpg
Họa sĩ Nguyễn Du chia sẻ về tranh cổ động của ông về Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Bảo Lâm

Khi được hỏi ông có mong muốn lập thành tích cao hơn cuộc thi lần 65 năm, họa sĩ Nguyễn Du chỉ bảo, đối với ông còn khỏe để vẽ đã là thỏa niềm đam mê của mình và tình yêu đối với Thủ đô Hà Nội, nơi ông sinh ra và lớn lên, chứng kiến những thăng trầm, đổi thay của mảnh đất Hà thành ngàn năm văn hiến.

“Họa sĩ là phải sáng tạo và đừng nghĩ từ tuổi 80 trở lên là già yếu rồi phải nghỉ, lập tức chúng ta sẽ trì trệ. Phải phấn đấu, phải làm. Càng làm bao nhiêu chúng ta càng khỏe bấy nhiêu. Tôi muốn nhắn nhủ đến tất cả mọi người như vậy. Bản thân tôi luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của lực lượng thanh niên xung phong, quyết sống vui, sống khỏe, sống có ích cho đời; là tấm gương sáng cho con cháu học tập và xứng đáng là cựu thanh niên xung phong làm theo lời Bác”, ông Du nói.

Được biết họa sĩ Nguyễn Du cũng đã chuẩn bị xong các tác phẩm dự thi 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và đang ấp ủ rất nhiều ý tưởng chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp năm 2025 và rất nhiều ngày lễ lớn trong năm sau. “Nhiều đêm nằm không ngủ được. Đang đêm bật dậy vẽ vẽ phác phác. Đó là niềm đam mê của tôi. Và tôi mong muốn từ những bức tranh cổ động của mình sẽ lan tỏa tình yêu đất nước, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, Thành phố vì hòa bình đến tất cả mọi người”, ông chia sẻ.

logo-dien-tu-moi-02.jpg