Quan hệ Hungary - EU: Tiếp tục nới rộng khoảng cách
Sau chuyến thăm Nga và Trung Quốc để triển khai “sứ mệnh hòa bình” gây tranh cãi, bất đồng giữa Hungary và nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục gia tăng bởi Budapest quyết định nới lỏng hạn chế thị thực với 8 quốc gia, trong đó có Nga và Belarus. Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại, trong thời gian đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên EU từ nay đến hết tháng 12, Hungary tiếp tục có những động thái khoét sâu chia rẽ nội khối.
Chương trình nới lỏng thị thực có tên gọi “Thẻ quốc gia” cho phép công dân từ 8 nước (gồm Bosnia và Herzegovina, Serbia, Ukraine, Bắc Macedonia, Montenegro, Moldova, Nga, Belarus) nộp đơn xin cấp "thẻ căn cước" để có thể làm việc tại Hungary trong 2 năm, mà không cần kiểm tra hồ sơ an ninh và có thể đưa theo thân nhân đi cùng. Sau 3 năm, những lao động này có thể làm hồ sơ xin giấy phép lưu trú vĩnh viễn.
Phản ứng trước động thái này, Manfred Weber, Chủ tịch đảng Nhân dân châu Âu (EPP) tại Nghị viện châu Âu (EP), đã gửi thông điệp tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói rằng, quyết định của Budapest làm dấy lên "mối lo ngại nghiêm trọng về an ninh quốc gia". Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo EU thực hiện biện pháp nghiêm ngặt nhất có thể để bảo vệ khẩn cấp toàn vẹn lãnh thổ của khu vực tự do đi lại Schengen.
Theo ông Manfred Weber, trong bối cảnh đối đầu giữa Nga và các nước phương Tây đang ở giai đoạn gay gắt, chính sách nới lỏng thị thực của Hungary tạo ra lỗ hổng nghiêm trọng cho các hoạt động gián điệp, gây ra rủi ro về mặt an ninh cho các quốc gia thành viên EU. Một khi được cấp phép nhập cảnh Hungary, người Nga có thể dễ dàng di chuyển tại 29 nước Schengen mà ít phải chịu sự kiểm soát. Các quốc gia vùng Baltic giáp biên giới với Nga cũng chỉ trích Budapest vì động thái này.
Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto đã cáo buộc một số nước thành viên EU phát động chiến dịch thông tin sai lệch về chính sách của Budapest. Cho rằng, hệ thống di cư của Hungary là "nghiêm ngặt nhất" trong khối, ông Peter Szijjarto khẳng định, động thái của Chính phủ không nới lỏng toàn bộ các biện pháp kiểm soát an ninh nghiêm ngặt đối với công dân Nga và Belarus. Việc sửa đổi chương trình “Thẻ quốc gia” có liên quan đến chiến lược tái công nghiệp hóa của Chính phủ. Nhiều lao động đợt này sẽ được tuyển dụng để xây dựng một nhà máy hạt nhân sử dụng công nghệ của Nga. Trên thực tế, Chính phủ Hungary đã thắt chặt các quy định về nhập cư vào tháng 12-2023 nhưng vẫn để ngỏ cánh cửa cho lao động nước ngoài nhằm giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng của nền kinh tế.
Trước sự lo ngại từ các nước thành viên, Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu Hungary giải trình về việc nới lỏng thị thực, điều mà Brussels lo ngại "có thể dẫn đến việc lách luật" các hạn chế của khối và làm suy yếu các tiêu chuẩn an toàn trên toàn khu vực Schengen. Trong một lá thư gửi Bộ Nội vụ Hungary, Ủy viên Nội vụ châu Âu Ylva Johansson đặt câu hỏi về những thay đổi mới đối với chương trình “Thẻ quốc gia” và việc đơn giản hóa thủ tục kiểm tra lý lịch an ninh đối với lao động nước ngoài trong các lĩnh vực cụ thể. Thời hạn để Budapest trả lời toàn bộ câu hỏi của EC là ngày 19-8. Sau đó, cơ quan này sẽ tiến hành đánh giá và xác định chương trình “Thẻ quốc gia” có tương thích với luật pháp EU hay gây nguy hiểm cho hoạt động chung của khu vực Schengen hay không; những lao động được Hungary cấp thẻ căn cước có gây ra mối đe dọa đối với chính sách công, an ninh nội bộ, sức khỏe cộng đồng hay quan hệ quốc tế hay không? Trong trường hợp tiêu cực nhất, EC có thể đình chỉ tư cách thành viên Schengen của Hungary. Tuy nhiên, đây là điều chưa từng có tiền lệ.
Theo EC, các quốc gia thành viên có thẩm quyền cấp thị thực lưu trú dài hạn và giấy phép cư trú. Tuy nhiên, chính sách phải được xem xét cẩn thận để không gây nguy hiểm cho tính toàn vẹn của khu vực chung và việc kiểm soát biên giới nội bộ, đồng thời phải cân nhắc đúng mức các tác động tiềm ẩn về an ninh. "Nếu chương trình dễ dàng tiếp cận của Hungary là một rủi ro, chúng tôi sẽ hành động", bà Ylva Johansson nhấn mạnh.
Từ khi lên nắm quyền vào năm 2010, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nhiều lần xung đột với các thể chế của EU, đồng thời tự cho mình là người đấu tranh vì lợi ích quốc gia. Nhiều nhà lãnh đạo EU lo ngại, ông Viktor Orban sẽ tiếp tục tung ra những động thái gây ảnh hưởng tới chính sách nhất thể hóa của khối trong thời gian đảm đương vai trò Chủ tịch luân phiên EU, từ ngày 1-7 đến 31-12-2024.