Cảnh giác chiêu trò bán thuốc đặc trị qua mạng xã hội
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), tuần qua, bên cạnh các chiêu trò cũ, như lừa đảo lấy lại tiền bị lừa; lừa đảo đi xuất khẩu lao động, làm visa.., đối tượng xấu còn lừa đảo bán thuốc đặc trị trên mạng xã hội.
Mới đây, một nạn nhân của chiêu trò lừa đảo trên đã phản ánh về việc mua thuốc đông y điều trị bệnh xương khớp từ một đối tượng giả mạo bác sĩ của một bệnh viện. Sau khi sử dụng thuốc, nạn nhân xuất hiện các triệu chứng bệnh bất thường.
Theo Cục An toàn thông tin, thủ đoạn phổ biến của các đối tượng lừa đảo là hoạt động theo hội nhóm, tạo lập các tài khoản mạng xã hội ảo, đăng bài quảng cáo về các loại “thần dược” với giá cao.
Trong đó, nhiều trang không có địa chỉ liên hệ, chỉ có số điện thoại để tư vấn. Bên cạnh những đối tượng tự xưng là “nhân viên tư vấn”, sẽ có đối tượng khác có nhiệm vụ giả danh bác sĩ tại các bệnh viện trung ương để chẩn đoán và cấp thuốc.
Những loại thuốc này có giá từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng, được quảng cáo có công dụng như phòng, chống ung thư, giảm tác dụng hóa trị, xạ trị ung thư, thuốc cho người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối... nhưng thực chất là các loại thuốc giá rẻ với thành phần không rõ nguồn gốc.
Tinh vi hơn, các nhóm đối tượng này còn thực hiện chiêu trò “giảm giá” cho người già, người nghèo, người bệnh nặng, nhằm đánh vào tâm lý thích khuyến mãi của một số bộ phận người tiêu dùng.
Vì vậy, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không mua bán thuốc trên mạng xã hội, nhất là đối với các loại thuốc đặc trị không rõ nguồn gốc.
Khi có bệnh, người dân cần đến bệnh viện để trực tiếp thăm khám và mua thuốc dưới sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Người dân cũng cần lưu ý cảnh giác với quảng cáo thuốc hứa hẹn chữa trị nhanh chóng các bệnh nghiêm trọng hoặc cung cấp kết quả thần kỳ mà không có bằng chứng rõ ràng.
Cần tìm hiểu về nhà sản xuất và thuốc qua các nguồn thông tin đáng tin cậy như trang web của cơ quan quản lý dược phẩm hoặc các tổ chức y tế.
Trong trường hợp gặp phải những đối tượng lừa đảo, người dân cần báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, chia sẻ thông tin về các sản phẩm nghi ngờ với cộng đồng để cảnh báo và giúp người khác tránh bị lừa đảo.