Tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cung chưa gặp cầu
Thống kê cho thấy, hiện nay, chưa đến 1,3% số lượng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tham gia vào mạng lưới tư vấn viên pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong khi đó, cả nước có khoảng gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhu cầu hỗ trợ pháp lý là rất lớn. Tuy nhiên, cung và cầu chưa gặp nhau.
Hoạt động còn mang tính hình thức
Theo số liệu của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), tính đến nay, cả nước có khoảng gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 97%. Mục tiêu đến năm 2030, cả nước có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Theo xu thế này, nhu cầu hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp là rất lớn. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24-6-2019, về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, theo thống kê, tính đến ngày 30-6-2024, cả nước có tới 18.200 luật sư; 5.400 tổ chức hành nghề luật sư; khoảng 200 trung tâm tư vấn pháp luật nhưng chỉ có chưa đến 1,3% số lượng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tham gia vào mạng lưới tư vấn viên pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đáng lưu ý nữa là, chỉ có Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương đã thiết lập, phê duyệt danh sách tư vấn viên pháp luật, trong đó chủ yếu là các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư (302 tư vấn viên pháp luật của Bộ Tư pháp và 2 tư vấn viên pháp luật của Bộ Công Thương). Những năm qua, đội ngũ tư vấn viên hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn ít nhưng lại hầu như không có khách hàng, khi xảy ra vấn đề vướng mắc liên quan đến pháp lý, doanh nghiệp thường tìm đến luật sư bên ngoài để được tư vấn, hỗ trợ.
Bất cập nêu trên cho thấy, hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của mạng lưới tư vấn viên pháp luật hiện nay còn mang tính hình thức. Không ít doanh nghiệp cho rằng, sở dĩ chính sách này chưa đi vào cuộc sống là do thiếu cơ chế quản lý, đầu mối thông tin thống nhất, tin cậy để giúp kết nối thông tin chung giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp vướng mắc với mạng lưới tư vấn viên pháp luật… Vì vậy, khi doanh nghiệp cần, họ sẽ chủ động tìm đến luật sư chứ không tìm đến các tư vấn viên.
Cần một thiết chế phù hợp
Thực tế cho thấy, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là một chính sách có ý nghĩa cần thiết mà kể cả những quốc gia phát triển vẫn đang triển khai thực hiện. Ở Việt Nam, xuất phát từ thực tiễn các doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ta vốn là lực lượng yếu thế so với cộng đồng doanh nghiệp lại càng cần hỗ trợ hơn.
Từ đó, luật sư Hoàng Ngọc Biên (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) đề xuất, Bộ Tư pháp cần đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP của Chính phủ, cần thiết thì sửa đổi căn bản để thúc đẩy và đổi mới toàn diện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Tư pháp nên cấp thẻ cho tư vấn viên vì “danh có chính thì ngôn mới thuận”.
Cùng quan điểm, luật sư Phạm Ngọc Hải (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, Bộ Tư pháp nên đăng tải công khai danh sách tư vấn viên pháp luật và lĩnh vực chuyên môn của từng tư vấn viên để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiện theo dõi, đăng ký theo nhu cầu. Hội Luật gia Việt Nam cần phải có phương thức liên kết đội ngũ tư vấn viên pháp luật trên cả nước; bổ sung cơ chế, chính sách về thù lao, khen thưởng động viên, khích lệ sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của mạng lưới tư vấn viên pháp luật, nhất là quy định đặc thù cho việc xây dựng, phát triển tư vấn viên pháp luật tại các địa phương, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Hội Luật gia cũng cần tăng cường hoạt động thông tin, truyền thông để không chỉ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa mà cả giới luật sư, tư vấn viên pháp luật biết đến ý nghĩa, mục đích và chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ở góc nhìn khác, Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp Nguyễn Duy Lãm đánh giá, để phát huy hoạt động đội ngũ tư vấn viên cần có giải pháp căn cơ để khẳng định vị thế, vai trò của đội ngũ tư vấn viên; đồng thời bổ sung đối tượng được ưu tiên trợ giúp pháp lý như: Doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nằm trong khu vực vùng sâu, vùng xa; rút ngắn thời gian xử lý yêu cầu... Cùng với đó, thay đổi quy định các định mức chi phí tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp hơn.
Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc khẳng định, tư vấn viên là câu chuyện vừa dễ, vừa khó. Rõ ràng, trong 5 năm qua, đội ngũ tư vấn viên hầu như không hoạt động. Thiết chế này không đi vào cuộc sống. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ hơn. Bộ Tư pháp sẽ tổ chức nhiều diễn đàn để lấy ý kiến của các chuyên gia, tư vấn viên, các doanh nghiệp với mục đích thiết kế lại nội dung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP của Chính phủ bảo đảm phù hợp với cuộc sống.