Việt Nam - Hàn Quốc kết nối giao thương về công nghệ thông tin
Diễn đàn số Việt Nam - Hàn Quốc 2024 tại thủ đô Seoul là cơ hội để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam kết nối giao thương, chia sẻ nhu cầu và tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác quốc tế tại thị trường trọng điểm.
Ngày 2-8, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) và Hiệp hội Công nghiệp phần mềm Hàn Quốc (KOSA) tổ chức Diễn đàn số Việt Nam - Hàn Quốc (Vietnam - Korea Digital Forum 2024) lần thứ nhất tại Seoul, Hàn Quốc.
Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ cùng đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc và gần 20 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, 150 đại biểu đến từ các hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc…
Diễn đàn gồm các hoạt động chính: Hội thảo, triển lãm, ký kết hợp tác song phương và kết nối hợp tác (networking) 1:1 giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam và đối tác quốc tế.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa mong muốn đưa diễn đàn trở thành không gian kết nối thường niên giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam tại Hàn Quốc. Đây sẽ là khởi đầu cho một giai đoạn hợp tác phát triển mới, mạnh mẽ, bùng nổ từ chính sách, đến thị trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…
Theo VINASA, Hàn Quốc là một thị trường rất tiềm năng đối với doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam. Tổng quy mô thị trường IT outsourcing (gia công công nghệ thông tin) Hàn Quốc lên đến hơn 600 tỷ USD, tới năm 2028 dự kiến đạt khoảng 800 tỷ USD. Hiện nay, đã có hơn 10 doanh nghiệp phần mềm Việt Nam mở văn phòng, đầu tư kinh doanh tại Hàn Quốc, như FPT, CMC, NTQ Solutions, OmiGroup…
Ngoài ra, Hàn Quốc cần 740.000 nhân sự IT, và với năng lực đào tạo hiện tại, nước bạn sẽ thiếu 490.000 lao động. Trong khi đó, năng lực của các kỹ sư IT Việt Nam đã được khẳng định trên nhiều bảng xếp hạng và điều này được các diễn giả tại diễn đàn đặt kỳ vọng rất lớn vào khả năng hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của thị trường này.
Trong khuôn khổ diễn đàn, có 5 hợp đồng được ký kết biên bản ghi nhớ (MoU). Trong đó, có FPT IS và SK C&C về phát triển các giải pháp công nghệ và dịch vụ chuyển đổi xanh cho các khách hàng doanh nghiệp toàn cầu, tập trung chủ yếu vào Việt Nam, Hàn Quốc và Đông Nam Á.
NTQ Solution sẽ đồng hành cùng MarkAny nghiên cứu, phát triển bộ giải pháp bảo mật tân tiến, giúp doanh nghiệp vận hành sản xuất an toàn đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng về bảo mật thông tin trong thời đại số. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ký hợp tác với 2 đơn vị là Kespa và Đại học An ninh mạng Seoul (SCU) đào tạo và phát triển nguồn nhân lực IT, an ninh mạng.
Cũng tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trao Bằng khen cho 3 doanh nghiệp công nghệ số Việt tại Hàn Quốc là: FPT Korea, NTQ Solution Korea và CMC Korea.