Nông nghiệp - Nông thôn

Số cảnh báo an toàn thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại châu Âu tăng hơn 80%

Ngọc Quỳnh 02/08/2024 - 16:33

Ngày 2-8, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS) phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam, Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến các quy định SPS trong Hiệp định EVFTA và RCEP.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Lê Thanh Hòa cho biết, với các quy định SPS thay đổi liên tục, Văn phòng SPS Việt Nam đóng vai trò là đầu mối, cung cấp thông tin để xuất khẩu đáp ứng các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật. Hiện, các hiệp định thương mại tự do tạo ra thuận lợi về thuế, đặc biệt là giảm dòng thuế về 0% đối với nông sản tươi và qua chế biến, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư vào nông sản thực phẩm chế biến sâu.

quang-canh-hoi-nghi-2-8.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng cảnh báo về an toàn thực phẩm xuất khẩu đối với nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường châu Âu tăng bất thường.

Cụ thể, Việt Nam nhận 57 cảnh báo trong nửa năm, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo, tăng hơn 80%. Trong số này, thành phố Hồ Chí Minh chiếm nhiều nhất, với 23 cảnh báo.

Hiện, Việt Nam còn 4 mặt hàng phải chịu nhiều tần suất kiểm tra như: Thanh long, ớt, đậu bắp, sầu riêng. Nguyên nhân là doanh nghiệp xuất khẩu chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu. Ngoài ra, theo thói quen từ trước, người sản xuất ở một số nơi còn chưa có biện pháp, kế hoạch sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, phân bón theo đúng hướng dẫn. Tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa đạt, chẳng hạn như: Sầu riêng chỉ giám sát 52% vùng trồng và 47% cơ sở đóng gói…

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chủ lực, các đại biểu cho rằng, trước tiên doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng và trị giá sản phẩm; hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn. Sau đó, tăng cường cập nhật chính sách, thông tin về FTA và các cam kết liên quan để tận dụng triệt để các cơ hội.

Các doanh nghiệp, hiệp hội cũng cần chủ động trong xây dựng kế hoạch kinh doanh theo từng thị trường, linh hoạt thích nghi với bối cảnh. Đặc biệt, phải phối hợp với các cơ quan, Tham tán thương mại và nông nghiệp của Việt Nam ở các quốc gia trong hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, xuất khẩu; tham gia trực tiếp vào kênh phân phối hàng hóa tại thị trường; bảo vệ uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại quốc tế.