Kỹ năng sống

Đường dây nóng hỗ trợ phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới: 0243.2233.111

Mai Hoa 02/08/2024 14:46

Trong các ngày từ 1 đến 2-8, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội tổ chức Hội nghị truyền thông trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 cho người dân tại các xã Thanh Thùy, Thanh Văn, huyện Thanh Oai (Hà Nội).

thanh-thuy(1).jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại Thanh Thùy, Thanh Oai. Ảnh: Dương Nguyễn

Trong khuôn khổ chương trình, TS Trần Thị Thu Hiền, Phó Trưởng Khoa Giới và Phát triển - Học viện Phụ nữ Việt Nam đã cung cấp thông tin thực trạng, khái niệm, nguyên nhân gây bạo lực, các hình thức bạo lực và hậu quả của bạo lực… Đồng thời, trang bị các kỹ năng phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho người dân, cung cấp thông tin địa chỉ các cơ quan, tổ chức tiếp nhận, can thiệp, trợ giúp nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới.

Phó Trưởng Khoa Giới và Phát triển - Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng nêu bật chủ đề Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 là “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xoá bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.

thanh-van-thanh-oai-1-.jpg
Không chỉ phụ nữ mà nam giới cũng tham gia hội nghị sáng 2-8, tại xã Thanh Văn, Thanh Oai. Ảnh: Dương Nguyễn

Nhiều thông điệp giá trị được diễn giả truyền tải tại chương trình: Tác động của phòng ngừa với bạo lực trên cơ sở giới với nền kinh tế; sự tham gia của nam giới trong chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái; phụ nữ cần nâng cao tính tự chủ, sự quyết đoán để tham gia tích cực hơn nữa vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội...

Giới thiệu đường dây nóng hỗ trợ phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (0243.2233.111), Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Vũ Hồng Thu cho biết thêm: Theo kế hoạch, trong năm 2024, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội sẽ tổ chức 8 Hội nghị truyền thông trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (mỗi cuộc 80 người).

Đường dây nóng hỗ trợ phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới: 0243.2233.111