Khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế: Nâng cao năng lực thực thi quy định hiện hành
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra thời gian qua gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trước thực tế đó, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành chức năng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tháo gỡ. Còn tại các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô, trên tinh thần nâng cao năng lực thực thi các quy định hiện hành, đã, đang từng bước khắc phục cảnh thiếu thuốc, vật tư y tế, hóa chất điều trị.
Đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh
Mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận từ 8.000 đến 10.000 người dân tới khám bệnh. Có thời điểm, bệnh viện này rơi vào cảnh thiếu trầm trọng máy móc, trang thiết bị y tế.
Để khắc phục, Giám đốc bệnh viện Đào Xuân Cơ cho biết, sau khi có một loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành Y tế của Chính phủ và Bộ Y tế, từ cuối năm 2023, bệnh viện đã tiến hành các thủ tục đấu thầu, mua sắm máy móc, thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác chuyên môn. Từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh viện đã khai trương và đưa vào sử dụng hàng loạt hệ thống thiết bị y tế hiện đại bao gồm: 4 máy chụp cộng hưởng từ, 3 máy chụp cắt lớp vi tính đa dãy, 19 hệ thống nội soi tiêu hóa, 7 hệ thống phẫu thuật nội soi...
“Với việc thêm 4 máy chụp cộng hưởng từ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Bệnh viện Bạch Mai có 7 máy chụp cộng hưởng từ cùng lúc hoạt động. Nhờ đó, bệnh nhân có chỉ định chụp cộng hưởng từ về cơ bản được chụp trong ngày mà không phải chờ đợi”, ông Đào Xuân Cơ nói.
Thông thường, số lượng thuốc và vật tư y tế mua sắm của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức luôn ở mức 130% kế hoạch, có nghĩa là đã tính cả tình huống bất thường. Thế nhưng, thời gian qua, số lượng bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới và cơ sở y tế khác đến bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt này rất đông. Thực tế này đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc dự trù vật tư y tế. Tuy nhiên, Giám đốc bệnh viện Dương Đức Hùng khẳng định, hoạt động mổ cấp cứu vẫn bảo đảm đủ thuốc và vật tư y tế.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, dự báo gia tăng người bệnh sốt xuất huyết tới điều trị nên bệnh viện đã chủ động thuốc, vật tư y tế. Điều này giúp bệnh viện khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong một số thời điểm như trước đây.
Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đống Đa Dương Quốc Bảo cho biết, dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết có nguy cơ tăng cao trong tháng 8 và tháng 9. Vì vậy, bệnh viện đã lên kế hoạch sẵn sàng phương án tiếp nhận người bệnh. Hiện, thuốc, dịch truyền phục vụ công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết đều đáp ứng đầy đủ.
Trong khi đó, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường chia sẻ, cùng với việc tập trung nghiên cứu và thực hiện các quy định mới của cấp có thẩm quyền, bệnh viện đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, có những giải pháp đáp ứng kịp thời nhu cầu thuốc, vật tư y tế phục vụ người bệnh.
Phải dám nghĩ, dám làm
Theo Bộ Y tế, đến nay, các quy định của pháp luật về đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã được ban hành đầy đủ, thống nhất và đồng bộ.
Trong đó, nhiều giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế như được sử dụng tối thiểu 1 báo giá hoặc sử dụng báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn làm giá gói thầu. Các quy định đã tạo hành lang pháp lý, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng chủ thể, tạo điều kiện khuyến khích các chủ đầu tư yên tâm, chủ động thực hiện, giúp cơ sở y tế công lập kịp thời mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh.
Bộ Y tế cũng đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo người đứng đầu các cơ sở y tế đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, lãnh đạo nhiều bệnh viện cho rằng, thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế thường chỉ xảy ra cục bộ ở một số loại và muốn đáp ứng đủ nhu cầu thì bệnh viện phải chủ động trong việc dự báo tình hình, áp dụng linh hoạt các giải pháp nhưng cần tuân thủ quy định. Lúc này, vai trò của lãnh đạo bệnh viện là phải dám nghĩ, dám làm. Trước khi tiến hành mua sắm, lãnh đạo bệnh viện phải nghiên cứu rất kỹ các văn bản quy định, họp hội đồng chuyên môn và đưa ra giải pháp phù hợp.
Mới đây, trong kế hoạch về nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với chất lượng, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các bệnh viện, ngoài việc nâng cao chất lượng chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ người bệnh, cần rà soát, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng thuốc và điều trị.
Đặc biệt, các bệnh viện cần bảo đảm cung ứng và sử dụng thuốc, vật tư tiêu hao đầy đủ, kịp thời, chất lượng, tuyệt đối không để người bệnh điều trị nội trú bảo hiểm y tế phải mua thuốc ở bên ngoài.