Khôi phục “Bát cảnh Tây Hồ”: Đánh thức vẻ đẹp của “nàng Tây Thi” Bài 2: Phục dựng “Bát cảnh Tây Hồ”, hướng đi độc đáo
Bến trúc Nghi Tàm, Rừng bàng Yên Thái, Đàn thề Đồng Cổ, Tượng Phật say Thụy Chương, Sâm cầm hồ Tây, Cánh đồng hoa Nghi Tàm; Làng Khán Xuân, Tiếng đàn hành cung là 8 địa danh của vùng đất Tây Hồ được các tao nhân mặc khách của kinh thành Thăng Long xưa lưu lại trong các thi phẩm.
Ý tưởng phục dựng “Bát cảnh Tây Hồ” nhằm tạo ra những “điểm đến” hấp dẫn có thể coi là hướng đi độc đáo mà quận Tây Hồ đang dày công nghiên cứu để tăng sức hấp dẫn của Tây Hồ trong lòng du khách.
Bát cảnh Tây Hồ, từ huyền thoại đến đương đại
Trong tập thơ “Tây Hồ bát cảnh” của Lê Vĩnh Hựu thế kỷ XVIII, 8 điểm đến huyền thoại của vùng đất Tây Hồ đã được nhắc tới.
Điểm đến đầu tiên là bến trúc Nghi Tàm. Xa xưa, làng Nghi Tàm có trồng giống trúc ngà, thân vàng xung quanh làng. Nhìn từ xa, hàng ngàn, hàng vạn cây trúc đứng trước gió, phản chiếu ánh sáng vàng tạo nên cảnh sắc độc đáo. Chính tại nơi này, chúa Trịnh Giang đã cho mở một bến tắm. Hằng năm vào mùa hè cùng các cung nữ lên đó tắm mát và nghỉ ngơi.
“Rừng bàng Yên Thái” là thắng cảnh thứ hai trong “Bát cảnh Tây Hồ. Xưa kia, tại làng Yên Thái có một núi đất cao 400-500 trăm thước, rộng chừng một mẫu. Chúa Trịnh Giang cho trồng nhiều cây bàng để lấy bóng râm cho nơi nghỉ mát. Từ trên đỉnh nhìn xuống, hàng ngàn, hàng vạn cây, cây nào cũng tỏa ra cành lá xum xuê, sắc lá theo từng mùa thay đổi. Nhìn từ xa như những chiếc lọng đỏ, lọng xanh rất đẹp mắt.
Đàn thề Đồng Cổ là thắng cảnh thứ ba được các thi nhân đề cập. Đàn thề xa xưa được lập trước cửa Đền Đồng Cổ trên bờ hồ thuộc làng Thụy Chương (nay là phường Thụy Khuê) dưới thời Lý Thái Tông. Đàn được xây hai tầng, tầng trên thờ thần, tầng dưới vua ngự, mỗi năm hai kỳ xuân thu, nhà vua ra đó làm lễ tế rồi hạ lệnh trăm quan văn võ đứng trước đàn thề rằng: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, bất hiếu bất trung, thần minh tru diệt”. Về sau Đàn thề Đồng Cổ trở thành nơi công cộng của nhân dân, hằng ngày có nhiều người, đặc biệt là thanh niên nam nữ, đến trước đàn thề xin thần linh minh chứng cho lòng chung thủy của mình.
“Tượng Phật say làng Thụy Chương” cũng đi vào văn chương. Tương truyền vào thời Lê Trung Hưng có ngôi chùa, nơi đây chỉ có mỗi một pho tượng tay chống gậy, chân có vẻ bước liêu xiêu. Một hôm Trạng Quỳnh đến làng Thụy, vào thăm chùa thấy tượng Phật độc đáo đã làm mấy câu thơ:
“Ông đứng chi mà đứng mãi đây?
Dập dềnh như tỉnh lại như say?
Vãi nào đã chuốc cho ông rượu?
Còn có cho vay một nậm đầy”.
Từ đấy người ta gọi tượng là Phật say làng Thụy, mỗi tháng hai kỳ khách thập phương thi nhau mang rượu đến lễ. Sau này, pho tượng không còn nữa.
“Sâm cầm hồ Tây” cũng là một đặc trưng đi vào thi ca của vùng đất Tây Hồ. Xa xưa, vào khoảng tháng Chạp đến tháng Giêng, từng đàn chim sâm cầm bay về kín mặt hồ. Tương truyền loài sâm cầm chỉ ăn sâm nên thịt rất bổ.
“Cánh đồng hoa Nghi Tàm” có được nhờ những vùng trồng hoa Nghi Tàm, được chọn làm hoa tiến vào Phủ Chúa và Cung Vua đã tạo nên hương sắc độc đáo, thu hút các tao nhân, mặc khách đến với Tây Hồ. Cùng với đó là “làng Khán Xuân” bên bờ phía Nam hồ Tây. Đời chúa Trịnh Giang, nơi đây lập một ly cung và những dãy nhà như quán hàng ở xung quanh, để hằng năm vào mùa hè ra đó nghỉ mát. Đêm đến, nội thần và cung nữ mở chợ bày hàng mua bán, hát xướng làm vui. Những đêm mở chợ, làng Khán Xuân lại sáng rực một góc thành vì đèn nến thắp sáng trưng. Chính vì vậy mà chợ đêm Khán Xuân trở thành một hoạt cảnh đẹp của Tây Hồ cũng như kinh thành Thăng Long xưa.
“Tiếng đàn hành cung” là điểm đến thứ tám được nhắc tới của Tây Hồ. Tương truyền hành cung được đặt ngay tại chùa Trấn Quốc vào thời chúa Trịnh. Nơi đây hằng đêm vẫn rộn tiếng đàn của các cung nữ làm người trông coi chùa, trở thành nguồn cảm hứng thi ca của tao nhân mặc khách khi đến vãn cảnh hồ Tây.
Trước những biến động lịch sử và thời gian, “Bát cảnh Tây Hồ” đến nay chỉ còn lại trên những thư tịch cổ. Phục dựng lại tám điểm đến đã đi vào thi ca của Tây Hồ được coi là một ý tưởng độc đáo để tăng sức hấp dẫn của Tây Hồ và tạo dựng một thương hiệu du lịch độc đáo, riêng có của Thủ đô.
Gây dựng thương hiệu du lịch - Bắt đầu từ đâu
Ý tưởng phục dựng “Bát cảnh Tây Hồ” do UBND quận Tây Hồ đang nghiên cứu và hoàn thiện là một trong những hướng đi hiệu quả để phát triển thương hiệu du lịch của Tây Hồ trong tương lai.
Theo Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng, việc phát triển Tây Hồ ở Hàng Châu (Trung Quốc) có thể coi là bài học kinh nghiệm mà quận Tây Hồ có thể tham khảo trong quá trình thực hiện. Với cùng tên gọi, Tây Hồ thuộc thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã thực hiện những bước đi chiến lược để trở thành một di sản văn hóa được công nhận.
Hiến kế phát triển thương hiệu du lịch Tây Hồ của Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội Trương Minh Tiến nhận định, quận Tây Hồ có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch về di sản văn hóa. Để thực hiện, quận cần có các cuộc khảo sát chuyên sâu dành riêng cho các công ty lữ hành để chính quyền và doanh nghiệp cùng phối hợp xây dựng các tour du lịch ban ngày và ban đêm với thời lượng khác nhau, trong đó khai thác hiệu quả thế mạnh riêng có của Tây Hồ là những đầm sen Bách Diệp.
Chi hội trưởng Chi hội Du lịch xanh Việt Nam Phùng Quang Thắng lại cho rằng: Quận Tây Hồ có ưu thế phát triển du lịch và khác biệt so với các quận khác của Thủ đô với cảnh quan thiên nhiên và những giá trị văn hóa đặc sắc, cùng không gian hồ nước lớn nhất nội thành Hà Nội nằm cạnh dòng sông Hồng. Con đường quanh hồ Tây có thể trở thành con đường du lịch của Thủ đô. Do đó, cần quan tâm nhiều hơn đến việc cải tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp cho tuyến đường.
Ông Phùng Quang Thắng cũng cho rằng, các di tích trên địa bàn quận Tây Hồ rất độc đáo, nhưng chủ yếu phục vụ người dân đến lễ bái, muốn trở thành sản phẩm du lịch thực sự thì cần đưa vào nhiều dịch vụ du lịch hấp dẫn. Quận Tây Hồ nên có dự báo xa để quy hoạch các điểm đỗ xe rộng ở các khu, điểm du lịch để phục vụ các đoàn khách đông. Thêm vào đó, với du lịch văn hóa thì con người thuyết minh vẫn hấp dẫn hơn công nghệ. Do đó cần đào tạo cho đội ngũ hướng dẫn viên có năng lực, trình độ để thuyết minh tại các địa danh nổi tiếng của Tây Hồ.
Phó Chủ tịch Chi hội Lữ hành Hà Nội Phạm Duy Nghĩa cũng đánh giá, các điểm đến ở quận Tây Hồ hiện nay chưa được đầu tư sâu vào chất lượng và dịch vụ. Dù có nhiều điểm di tích rất đặc sắc nhưng quận lại không có liên kết với các hãng lữ hành để đưa du khách đến với Tây Hồ. Chẳng hạn, có những di tích không mở cửa ngày thường hoặc chưa có những chương trình bài bản, hấp dẫn để đón tiếp du khách. Vì thế, các di tích và doanh nghiệp lữ hành cần “bắt tay” chặt chẽ hơn mới có thể quảng bá rộng rãi tới du khách về những giá trị độc đáo của vùng đất này.
Ông Phạm Duy Nghĩa cũng cho biết, hiện nay hồ Tây đã dừng kinh doanh thuyền nổi và định hướng phát triển du lịch thể thao. Chính quyền cần kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế và có tầm để đầu tư sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao để tạo điểm nhấn hút khách.
Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam Phạm Hải Quỳnh cũng cho rằng, Tây Hồ muốn phát triển du lịch thì cần bắt đầu bằng việc hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ thật chỉn chu và kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành. Quận Tây Hồ có thể kết nối ngay các hộ có nghề truyền thống, hộ kinh doanh, khu, điểm, ban quản lý các di tích trên địa bàn quận với các doanh nghiệp lữ hành để đưa vào City tour. Khi doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là người dân được hưởng lợi thì những giá trị truyền thống đặc sắc mới được bảo vệ và tạo đòn bẩy cho du lịch ngày càng phát triển.
Từ những ý kiến của các chuyên gia, có thể nhận thấy, việc phát triển thương hiệu du lịch tại quận Tây Hồ cần tiếp tục nghiên cứu để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch trải nghiệm mang tính độc đáo, sáng tạo gắn với các giá trị di sản, di tích và làng nghề của quận Tây Hồ. Đây chính là yếu tố đặc biệt quan trọng để tạo nên những “điểm sáng” trong phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
(Còn nữa)