Điểm nóng

Phương Tây không nên phớt lờ Nga trong nỗ lực giải quyết xung đột

Thương Nguyệt 31/07/2024 - 13:28

Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg đã cảnh báo việc “bỏ qua” Nga trong những nỗ lực hòa bình nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine.

Bình luận của Bộ trưởng Alexander Schallenberg được đưa ra sau khi các quan chức Liên minh châu Âu (EU) lên án chuyến thăm Nga của Thủ tướng Hungary Viktor Orban vào đầu tháng này.

“Chúng ta không thể đốt cháy mọi cây cầu”, Bộ trưởng Alexander Schallenberg nói với đài truyền hình Áo ORF, ám chỉ việc phương Tây phớt lờ Nga trong vấn đề giải quyết xung đột Ukraine. Quan chức ngoại giao này cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sử dụng các kênh liên lạc với Nga.

Hồi tháng 6, Thụy Sĩ đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine nhưng không mời Nga tham dự. Sự kiện này tập trung vào kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhằm chấm dứt xung đột.

2(1).jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Áo cảnh báo phương Tây không nên bỏ qua Nga trong những nỗ lực giải quyết xung đột Ukraine. Ảnh minh họa: Reuters

Áo là quốc gia thuộc EU nhưng không phải thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tương tự Hungary, Vienna từng tuyên bố sẽ không viện trợ vũ khí cho Ukraine, tức đi ngược lại xu hướng chung của EU.

Bộ trưởng Alexander Schallenberg đã loại trừ khả năng gửi các huấn luyện viên quân sự Áo đến Ukraine. Hồi tháng 3, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cũng lên tiếng phản đối ý tưởng sử dụng lợi nhuận từ các tài sản của Nga bị phong tỏa tại EU để cung cấp vũ khí cho Kiev.

Nga đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đối thoại về vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, Mátxcơva khẳng định, mọi cuộc đàm phán đều vô nghĩa trừ khi Tổng thống Volodymyr Zelensky hủy sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền Tổng thống Nga Putin được ban hành cuối năm 2022.

Liên quan tình hình xung đột, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergey Marchenko nhận định, quốc gia này có khả năng phải đối mặt với tình trạng bất ổn và thách thức ở năm 2025 vì nguồn hỗ trợ ​​sẽ tiếp tục giảm sút.

Năm 2024, Ukraine đã nhận được gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD từ Mỹ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Sergey Marchenko cho rằng, Kiev không nên mong đợi các khoản hỗ trợ tương tự ở năm 2025 vì viện trợ phương Tây phần lớn phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay.

“Năm 2025 sẽ khó khăn hơn. Đây sẽ là năm bất ổn với những quyết định có thể không hiệu quả”, Russia Today dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Sergey Marchenko.

Trong khi lưu ý rằng Ukraine “sẵn sàng cho những quyết định khó khăn nhất” và nên “chỉ dựa vào chính mình”, Bộ trưởng Sergey Marchenko nhận định, Kiev sẽ cần thêm 12-15 tỷ USD viện trợ đệm từ phương Tây trong năm 2025.

Bộ Tài chính Ukraine cho biết, nợ công của quốc gia này đã tăng hơn 1 tỷ USD trong tháng 6, với tổng nợ hiện đã vượt mốc 152 tỷ USD. Cùng tháng, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã giảm dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine trong năm 2024 xuống còn 2,5% so với ước tính 3,2% hồi tháng 4 do tâm lý của người tiêu dùng và doanh nghiệp ngày càng xấu đi trong bối cảnh xung đột vẫn căng thẳng.

Fitch đã hạ tín nhiệm của Ukraine từ bậc “CC” xuống “C” vì khoản nợ 20 tỷ USD, cho thấy quá trình vỡ nợ đối với Ukraine đã bắt đầu. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm có trụ sở tại Mỹ cũng dự báo, nợ chính phủ của Ukraine sẽ tăng vọt lên 92% GDP trong năm nay.