Thúc đẩy liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản
Thời gian qua, dù ngành Nông nghiệp Hà Nội đã nỗ lực xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, song mối liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp phân phối còn lỏng lẻo.
Để thúc đẩy liên kết, các ngành chức năng cần có chính sách đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ nông dân, từ khoa học, kỹ thuật đến tiêu thụ sản phẩm.
Mối liên kết còn lỏng lẻo
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Long Xuyên (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Thị Kim Liên cho biết, trước đây, hợp tác xã trồng bưởi, hiệu quả kinh tế không cao, nên đã liên kết với doanh nghiệp chuyển sang trồng dưa chuột bao tử và dưa chuột kiếm theo hướng hữu cơ trên diện tích hơn 10ha. Nhờ liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, dưa chuột bao tử và dưa vàng của hợp tác xã tiêu thụ ổn định, cho giá trị cao hơn từ 10% đến 15% so với sản xuất thông thường.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) Bùi Thị Thanh Hà, hợp tác xã đã đầu tư quy trình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín với diện tích 1,15ha và liên kết với các nhóm trồng rau trên địa bàn để cung ứng ra thị trường gần 1 tấn rau, củ, quả mỗi ngày. “Việc liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với nông dân giúp hợp tác xã kiểm soát được chất lượng rau và cùng một chủng loại theo nhu cầu của thị trường”, bà Bùi Thị Thanh Hà cho hay.
Về hiệu quả của chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương đánh giá, xây dựng chuỗi liên kết đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, nhất là trong bối cảnh biến động thị trường, chi phí sản xuất tăng cao, có nhiều rào cản thương mại... Hà Nội đang duy trì 159 chuỗi liên kết nông sản, thực phẩm an toàn. Điển hình như các chuỗi gạo Khu Cháy, thịt lợn A-Z, nấm Nghĩa Minh, rau an toàn Văn Đức, rau an toàn Thanh Hà...
“Mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị đã làm thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất, tập trung áp dụng quy trình sản xuất an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Không những vậy, từ những mô hình liên kết chuỗi giá trị bền vững, hiệu quả, người dân đã chủ động tìm kiếm và nhân rộng nhiều loại cây trồng vật nuôi khác nhau, góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị sản xuất”, bà Vũ Thị Hương cho biết thêm.
Hiệu quả kinh tế đã rõ, song chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa bền vững. Các hợp tác xã đều gặp khó khăn khi đầu tư kho lạnh, nhà máy chế biến sâu để thu mua nông sản vào chính vụ thu hoạch. Hơn nữa, nhận thức của một bộ phận nông dân còn hạn chế, chưa thật sự tuân thủ những ràng buộc trách nhiệm với doanh nghiệp, vẫn còn tình trạng đơn phương phá vỡ cam kết khi giá thị trường lên cao…
Bắt tay để tạo giá trị cao
Để tháo gỡ khó khăn trong xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Chuối Việt (huyện Phú Xuyên) Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng, chính quyền cần làm “cán cân”, “trọng tài” để người dân và doanh nghiệp có được liên kết hiệu quả.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) Phạm Thị Lý, để chuỗi liên kết thực sự mang lại hiệu quả, người sản xuất cần bắt tay với các nhà khoa học để nâng cao chất lượng sản phẩm, minh bạch quy trình sản xuất từ đó giữ chân được khách hàng. Mặt khác, các sở, ngành cần tham mưu với thành phố tạo điều kiện cho nông sản, đặc sản của từng địa phương tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại; tăng nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân… để các hợp tác xã có thêm nguồn vốn đầu tư sản xuất công nghệ cao theo chuỗi khép kín.
Khẳng định việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã đem lại lợi ích cho các hợp tác xã và nông dân, góp phần giảm bớt khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, thời gian tới, trung tâm tiếp tục hỗ trợ người dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường. Cùng với đó, trung tâm hỗ trợ nông dân các kiến thức về sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…, nhằm sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Cùng với đó, các địa phương cần quy hoạch vùng nguyên liệu, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ cho người dân và giám sát việc thực hiện hợp đồng, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia chuỗi liên kết.
“Hà Nội tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, cơ giới hóa, tự động hóa dây chuyền chế biến nông sản để tạo ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã phong phú, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời, thành phố tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hoạt động giao thương, trưng bày nông sản của các địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối, đưa nông sản vào các kênh phân phối hiện đại”, bà Vũ Thị Hương nhấn mạnh.