Hà Nội kiểm kê đất đai, xây dựng hồ sơ địa chính trên toàn thành phố từ ngày 1-8:Thuận cho quản lý, lợi cho người dân
Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 1-8-2024 đến trước ngày 30-6-2025, Hà Nội tiến hành kiểm kê đất đai và quyết tâm hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trong năm 2025.
Mục tiêu của các công việc này là cung cấp số liệu chính xác, kịp thời để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng thông tin đất đai.
Gặp khó khi kiểm kê, cập nhật dữ liệu
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã triển khai công tác đo đạc, số hóa chỉnh lý bản đồ và xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ trên địa bàn 27 quận, huyện, thị xã (trừ các huyện Đan Phượng, Quốc Oai, Ứng Hòa đã triển khai Dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) trước đó). Đến nay, công tác đo đạc đã cơ bản hoàn thành tại 475/489 xã, phường, thị trấn với 20.248 tờ bản đồ. Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đã thực hiện tại 290/489 xã, phường, thị trấn; trong đó có 30 đơn vị đã nhập dữ liệu trên phần mềm chuyên dụng, 260 đơn vị đang thực hiện kê khai đăng ký…
Tuy nhiên, quá trình kiểm kê, cập nhật dữ liệu đất đai gặp một số khó khăn, như tài liệu quản lý đất đai từ trước đến nay có nhiều loại bản đồ và thay đổi qua nhiều thời kỳ khác nhau; khung pháp lý quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thay đổi liên tục; phần mềm miễn phí VILIS 2.0 của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý theo các thông tư mới.
Bà Nguyễn Thị Trọng ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) chia sẻ, do việc xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai chưa hoàn thành nên người dân muốn tra cứu các thông tin liên quan đến công tác đất đai gặp nhiều khó khăn. Khi muốn kiểm tra vị trí thửa đất cụ thể, nhiều thửa đất dù đã sử dụng ổn định, nhưng thông tin không hiển thị hoặc không đầy đủ như mong muốn.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho rằng, do vướng mắc trong việc tích hợp và liên kết dữ liệu về đất đai giữa các cơ quan, đơn vị liên quan, nên công tác kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng đất và phát hiện sai phạm gặp không ít khó khăn.
Trong khi đó, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì Nguyễn Thị Nam cho biết, dữ liệu cập nhật về đất đai không đầy đủ đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc ban hành quyết định liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất...
Hoàn thành nhiệm vụ kép đúng thời hạn
Từ ngày 1-8-2024 đến 30-6-2025, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành công tác kiểm kê đất đai. Cụ thể là: Kiểm kê diện tích các loại đất theo quy định và đối tượng đang quản lý, sử dụng đất; tình hình quản lý, sử dụng đất sân golf, cảng hàng không, sân bay; khu vực sạt lở, bồi đắp; đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và các chuyên đề khác. Việc kiểm kê này nhằm đánh giá thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất, biến động đất đai trong 5 năm qua; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức, cá nhân.
Hà Nội cũng phấn đấu hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trong năm 2025, với nhiều nội dung quan trọng. Nổi bật là: Hoàn thành kiểm tra nghiệm thu đo đạc bản đồ; hoàn thiện kê khai, đăng ký đất đai; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, nâng cấp và thử nghiệm phần mềm VILIS 2.0; vận hành cơ sở dữ liệu đất đai trên hệ thống…
Theo đó, cùng với việc triển khai kiểm kê đất đai trên phạm vi toàn thành phố từ ngày 1-8, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với các đơn vị thi công, kiểm tra nghiệm thu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục công việc còn lại của dự án. Sở đã thành lập 5 tổ công tác để đôn đốc, kiểm tra tiến độ, chất lượng sản phẩm bản đồ địa chính, kê khai đăng ký, xây dựng cơ sở dữ liệu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các gói thầu thuộc dự án.
Trưởng phòng Đăng ký thống kê đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Ngô Khánh Tùng thông tin, đơn vị đã xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, các mốc thời gian cụ thể và các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật. Sở cũng tổ chức kiểm tra, giám sát, nghiệm thu công việc thực hiện theo quy định, báo cáo kịp thời các phát sinh vượt thẩm quyền.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết, công tác kiểm kê đất đai theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của Hà Nội không chỉ giải quyết các vấn đề hiện tại, mà còn hướng đến xây dựng một hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, góp phần xây dựng chính quyền điện tử. Đây là bước ngoặt quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho công tác quản lý nhà nước về đất đai; đồng thời tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận và sử dụng thông tin đất đai.