Công nghệ

Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn tại Khu CNC Hòa Lạc

Thu Hằng 30/07/2024 - 20:28

Trong khuôn khổ Chương trình Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn thành phố Hà Nội 2024, chiều 30-7, tại Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc, Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn”.

2(2).jpg
Phó Trưởng ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc Trần Đắc Trung phát biểu. Ảnh: Thu Hằng

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Đắc Trung, Phó Trưởng ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết, trong những lĩnh vực công nghệ cao thì bán dẫn là lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên hàng đầu và khuyến khích phát triển. Do đó, việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phát triển ngành này như đào tạo nhân lực là một trong những yếu tố then chốt.

Phát triển nhân lực công nghiệp bán dẫn tại Khu CNC Hòa Lạc luôn gắn liền với thực tiễn vì xuất phát ngay tại trường, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp. Với tiềm năng sẵn có từ các trường, viện nghiên cứu ở Khu CNC Hòa Lạc, đây là những lợi thế rất lớn. Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc xác định luôn đồng hành và chia sẻ với các viện, trường, doanh nghiệp, đặc biệt là từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu để có thể phát triển nguồn nhân lực bán dẫn phục vụ trực tiếp cho quá trình phát triển Khu CNC Hòa Lạc và cho từng doanh nghiệp nói riêng trong khu, từ đó, tạo sức hút, sức lan tỏa cũng như sự dẫn dắt cho ngành công nghiệp này tại Hà Nội và trên cả nước.

Các đại biểu đã thảo luận những cơ hội, thách thức cũng như đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ của thành phố Hà Nội, Chính phủ trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực công nghiệp bán dẫn phù hợp tiềm năng, lợi thế Thủ đô Hà Nội và của Khu CNC Hòa Lạc.

4(2).jpg
Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) TS Võ Xuân Hoài phát biểu. Ảnh: Thu Hằng

Theo TS Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì dự báo cần khoảng 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn. Qua khảo sát các trường đại học lớn của Việt Nam cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đào tạo 50 nghìn kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức.

Đó là, thực trạng số lượng kỹ sư chất lượng cao của Việt Nam vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI); Chương trình đào tạo đại học còn thiếu và chưa đạt chuẩn quốc tế… Do vậy, thời gian tới, các chương trình đào tạo của Việt Nam cần được đa dạng hóa, chú trọng nâng cao, chuyển đổi và liên thông; việc hợp tác đào tạo quốc tế cần được triển khai bài bản, hiệu quả, có trọng tâm; xây dựng nguồn nhân lực phải đi đôi với xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn và dựa trên thế mạnh và lộ trình phát triển của Việt Nam…

1(4).jpg
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Thu Hằng

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho rằng, có 3 thách thức lớn trong đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, đó là: Đào tạo số lượng lớn cho một ngành công nghiệp; thời gian đào tạo ngắn (Việt Nam có cơ hội trong 3 năm là tối đa); nguồn nhân lực này buộc phải “nhảy” vào cuộc chơi toàn cầu, nghĩa là phải đào tạo chuẩn quốc tế để có thể làm việc và học tập ở nước ngoài.

“Trường Đại học FPT năm nay dự kiến tuyển 1.000 chỉ tiêu liên quan đến thiết kế vi mạch. Đây là một trong 4 khâu của ngành bán dẫn mà Việt Nam có lợi thế. Nhà trường cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các trường đại học ở Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... Tuy nhiên, trong kế hoạch, giải pháp đào tạo này, có 2 yếu tố rất quan trọng để bảo đảm Đề án thành công là cần lôi kéo các đối tác nước ngoài vào cuộc và sự hưởng ứng nhiệt tình của người học” - TS Lê Trường Tùng nêu rõ.