Kinh tế

Việt Nam khuyến khích phụ nữ tham gia phát triển kinh tế hợp tác xã

Bạch Thanh 30/07/2024 - 15:03

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường hoạt động đối ngoại và phát triển kinh tế tập thể, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban lãnh đạo của Liên minh HTX quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ICA-AP) và Hội nghị Thượng đỉnh Nữ lãnh đạo HTX khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ ngày 29 đến 31-7-2024 tại Hà Nội.

Hội nghị Ban lãnh đạo ICA-AP được tổ chức hai lần mỗi năm để báo cáo tình hình các tổ chức thành viên, hoạt động của các Ủy ban chuyên môn, cập nhật tiến độ các hoạt động ICA-AP, đặc biệt là việc thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Trong khi đó, Hội nghị Thượng đỉnh Nữ lãnh đạo HTX khu vực châu Á - Thái Bình Dương là sự kiện thường niên bên lề Hội nghị Ban lãnh đạo ICA-AP.

htx1.jpg
Sự kiện thu hút đông đại biểu đến từ các nước tham dự. Ảnh: Thanh Hoa

Năm 2024, Liên minh HTX Việt Nam được chọn để đăng cai tổ chức hai hoạt động trên của ICA-AP. Sự kiện thu hút hơn 100 đại biểu tham dự, bao gồm khoảng 70 đại biểu từ các nước châu Á - Thái Bình Dương và 30 đại biểu từ các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Agriterra, ILO, NACF, DGRV... cùng các ban, bộ, ngành Trung ương của Việt Nam.

Chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh Nữ lãnh đạo HTX năm nay là “Trao quyền lãnh đạo: Định hướng tương lai của hợp tác xã do phụ nữ làm chủ”. Hội nghị là dịp chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, tạo sự kết nối giữa các quốc gia và các ngành/lĩnh vực trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của môi trường thế giới hậu đại dịch Covid-19; thách thức trong phát triển kinh tế hợp tác, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động của HTX...

htx3.jpg
Các đại biểu tham quan các sản phẩm của các hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, quản lý. Ảnh: Thanh Hoa.

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, ở Việt Nam, tính riêng lĩnh vực nông nghiệp, trong số 18.340 hợp tác xã nông nghiệp, có ít nhất 10% phụ nữ tham gia quản lý; 85% lao động nữ tham gia và có việc làm ổn định trong lĩnh vực này. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đang là một trong những đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn của Việt Nam. Trong đó, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ chiếm 39%, khoảng 20% hợp tác xã đăng ký sản phẩm OCOP là mô hình do phụ nữ quản lý và đóng góp vào thành công của chương trình.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã.

Chương trình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu “Tiếp tục thành lập các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã do thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, đồng bào dân tộc làm chủ”. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đặt ra chỉ tiêu “Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030”. Tháng 1-2023, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030"...

Trong những năm qua, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong điều hành, quản lý các hợp tác xã.