Thị trường

Đề xuất để thị trường quyết định giá xăng dầu

Hà Phong 30/07/2024 - 13:34

Sáng 30-7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả".

116a1151-17223152459771985003665.jpg
Khách mời tham dự tọa đàm.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Phạm Văn Bình; Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo; Tổng Giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways Lương Hoài Nam; Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long tham dự tọa đàm.

Các đánh giá cho thấy, xăng dầu là mặt hàng có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tầm chiến lược trong bảo đảm ổn định và giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là bảo đảm về an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Trước tầm quan trọng của xăng dầu đối với phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo hết sức sát sao và quyết liệt cho mặt hàng chiến lược này, trong đó đã ban hành Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu; các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP và nhiều chỉ đạo quan trọng khác, qua đó tạo môi trường pháp lý căn bản đối với sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường xăng dầu Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, hiện nay, thị trường xăng dầu vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập, những "nút thắt" đặt ra yêu cầu bức thiết cần tháo gỡ, nhất là sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách cho phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn.

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Nhà nước có vai trò lớn trong việc điều hành giá xăng dầu. Điều đó thể hiện trong nhiều kỳ biến động lớn về giá xăng dầu trên thế giới, chúng ta đã có những chính sách để không tạo ra cú sốc giá xăng dầu. Mặc dù Nhà nước kiểm soát về giá, ấn định giá, nhưng giá phụ thuộc biến động của thế giới. Điểm thứ 2 là dùng mệnh lệnh hành chính của Nhà nước áp đặt cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về mức giá khiến không bảo đảm lợi ích doanh nghiệp về mặt lợi nhuận như mong muốn. Trong trường hợp dùng công cụ áp đặt quá mức, doanh nghiệp không còn lợi ích nữa thì đương nhiên sẽ tìm biện pháp để "lảng tránh". Điển hình, có những thời kỳ, nhiều điểm kinh doanh thông báo hết xăng dầu.

Từ phân tích trên, ông Hoàn Văn Cường đề nghị, để thị trường quyết định giá xăng dầu. Từ đó, các doanh nghiệp cung cấp mặt hàng này sẽ cố gắng, nỗ lực tiết giảm chi phí đầu vào, thậm chí có thể mua lúc rẻ và bán ra lúc đắt thay vì chịu giá chung. Nhà nước không can thiệp không có nghĩa thả nổi mà có công cụ để điều tiết qua thuế (thuế nhập khẩu và thuế thu nhập).

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng, phải có cơ chế để xác định cái gì thuộc về thị trường để các doanh nghiệp quyết định.

Được biết, hiện, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 đã được ban hành trước đó nhằm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho sự phát triển ổn định, hiệu quả của thị trường xăng dầu.