Ngăn ngừa kẻ gian đánh cắp dữ liệu eKYC
Rủi ro của eKYC là kẻ gian có thể đánh cắp dữ liệu người dùng hoặc thực hiện hành vi giả mạo, lừa đảo.
Ngoài phổ biến trong ngành ngân hàng, ứng dụng định danh điện tử eKYC đang được mở rộng ra các ngành viễn thông, bảo hiểm, thương mại điện tử, kích hoạt tài khoản và các dịch vụ sau tài khoản.
Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng Sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Công ty An ninh mạng Viettel, định danh điện tử - eKYC vẫn có rủi ro và kẻ gian có thể lợi dụng để trục lợi, với những kịch bản mới, tinh vi hơn.
Các đối tượng xấu có thể mạo danh eKYC và rao bán tài khoản mạo danh; sử dụng căn cước công dân thật thu được từ các cửa hàng cầm đồ, sau đó thuê người thực hiện các bước eKYC; hoặc làm giả toàn bộ căn cước, giả phôi và sử dụng danh tính tổng hợp (kết hợp thông tin người thật thu thập được từ rò rỉ dữ liệu và thông tin giả)...
Để ngăn chặn rủi ro từ eKYC, Công ty An ninh mạng Viettel đã phát triển giải pháp phát hiện gian lận theo thời gian thực (VCS-F2DR).
“Từ tháng 1-2023 đến tháng 7-2024, hệ thống này đã cảnh báo 257.340 lần về các hoạt động liên quan đến gian lận định dạnh và mở mới tài khoản (trung bình 13.544 cảnh cáo/tháng)”, ông Nguyễn Đăng Khoa cho biết.
Hiện Viettel Money đạt tỷ lệ thành công tới 99% khi xác thực hàng chục nghìn giao dịch nhờ công nghệ này.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân có ý thức bảo vệ thông tin cá nhân; không vào đường link lạ, cuộc gọi lạ, cài các ứng dụng không chính danh. Các doanh nghiệp, tổ chức cập nhật, nâng cao năng lực công nghệ, tăng cường đội ngũ nhân sự bảo vệ dữ liệu khách hàng.