Giá trị lịch sử và những bài học của Hội nghị quân sự Trung Giã vẫn mang tính thời sự
Được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng và Thành uỷ Hà Nội, sáng 30-7, Viện Lịch sử Quân sự phối hợp Ban Tuyên Giáo Thành ủy Hà Nội và Huyện ủy Sóc Sơn tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã - Giá trị lịch sử và bài học”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.
Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Hoàng Sơn; Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự; Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của Trung ương và thành phố, các nhà khoa học…
23 ngày đàm phán với nhiều kết quả quan trọng
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Hoàng Sơn cho biết, cùng với Hội nghị Giơnevơ bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, tại Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội) diễn ra Hội nghị bàn về các vấn đề do tình hình quân sự cụ thể tại chỗ đặt ra giữa Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng liên hiệp Pháp ở Đông Dương.
Sau 23 ngày đàm phán (từ ngày 4 đến 27-7-1954), Hội nghị đã đạt được nhiều kết quả, giải quyết một cách thỏa đáng vấn đề tù binh, đồng thời định ra thể thức cần thiết để thực hiện ngừng bắn trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Sơn nhấn mạnh, Hội nghị quân sự Trung Giã là cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng liên hiệp Pháp ở Đông Dương, góp phần để Hội nghị Giơnevơ đi đến ký kết các văn bản về chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, hội thảo là một trong những hoạt động lớn, trọng tâm, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Đặc biệt là góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Đồng thời, giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ noi gương thế hệ ông cha ra sức học tập, lao động và cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Cùng với đó là rút ra những kinh nghiệm quý báu cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Pho sử vàng, vẻ vang của nền ngoại giao quân sự Việt Nam
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, thành công của Hội nghị quân sự Trung Giã có ý nghĩa lịch sử to lớn. Hội nghị Giơnevơ đưa ra giải pháp toàn bộ nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ðông Dương, còn Hội nghị quân sự Trung Giã bàn cách thực hiện ngừng bắn và chính sách đối với tù binh, kiến nghị những vấn đề liên quan gửi đến quân sự. Đặc biệt là đã chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết để thực hiện ngừng bắn đúng ngày giờ như Hiệp định Giơnevơ đã quy định và tạo cơ sở thuận lợi cho hoạt động của Ủy ban Liên hợp Trung ương.
“Với kết quả đó, Đoàn Đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó: “Phải vững vàng về nguyên tắc, nhưng linh hoạt về sách lược”, góp phần vào thành công của Hội nghị Giơnevơ và góp một trang đẹp vào pho sử vàng, vẻ vang của nền ngoại giao quân sự Việt Nam” - PGS.TS Nguyễn Văn Nhật nhấn mạnh.
Trung tá Tạ Thị Nghĩa Thục, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Chính trị quân sự (Trường Sĩ quan Chính trị) cho biết: “Mặc dù không giải quyết được các nội dung như dự kiến, nhưng Hội nghị quân sự Trung Giã đã thể hiện hai bên muốn đàm phán đi tới hòa bình, tạo điều kiện cho việc triển khai và thi hành Hiệp định Giơnevơ được nhanh chóng, kịp thời. Thành công của Hội nghị không chỉ là sự chuẩn bị đầy đủ các yếu tố đảm bảo cho thành công của Hội nghị Giơnevơ mà còn đặt nền móng, mở ra quá trình tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Pháp”.
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Bùi Huy Cường cho biết, nhân dân và các lực lượng vũ trang huyện Đa Phúc trước đây, huyện Sóc Sơn ngày nay vinh dự là địa phương tổ chức Hội nghị và tự hào tham gia bảo vệ, phục vụ, góp phần vào thành công của Hội nghị.
Trong 70 năm qua, Hội nghị quân sự Trung Giã và hình ảnh những con người đã tham gia và tạo nên thành công của hội nghị như Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Song Hào, đồng chí Lê Quang Đạo và những tên tuổi khác như đồng chí Hồng Hà, Lê Minh Nghĩa, Lưu Văn Lợi… vẫn luôn in đậm trong ký ức, lịch sử truyền thống hào hùng của quân và dân Sóc Sơn, trong bài học về lịch sử của các thế hệ học sinh Sóc Sơn.
Năm 2002, Khu di tích cách mạng kháng chiến Trung Giã được thành phố xếp hạng, được xây dựng, trở thành nơi giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của địa phương. “Hội thảo cũng là nguồn bổ sung quý về tư liệu cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích cách mạng kháng chiến Trung Giã đang được thành phố Hà Nội đưa vào danh mục đầu tư, nâng cấp, giúp cho công tác giáo dục lịch sử truyền thống, cách mạng kháng chiến của huyện thêm phong phú, giá trị” - đồng chí Bùi Huy Cường nhấn mạnh.
Tại hội thảo, bà Văn Minh Tâm - con gái của Đại tướng Văn Tiến Dũng bày tỏ xúc động và vinh dự khi được nghe các tham luận trình bày tại hội thảo, trong đó nhấn mạnh về những đóng góp của cha mình trong sự kiện lịch sử quân sự Trung Giã.
“Chúng tôi tự hào về những đóng góp của cha mình và nguyện tiếp tục sống sao cho xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước. Đây là một hội thảo hết sức ý nghĩa nhằm giáo dục truyền thống cách mạng của Việt Nam cho các thế hệ sau này”, bà Văn Minh Tâm chia sẻ.
Phát huy giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm của hội nghị
Ngoài các phát biểu nêu trên, các tham luận tại Hội thảo “70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã - Giá trị lịch sử và bài học” đã tập trung khẳng định và làm sáng rõ một số vấn đề quan trọng của sự kiện lịch sử này.
Một là, nghiên cứu làm rõ bối cảnh quốc tế, trong nước, đặc biệt là tác động của Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) đến quá trình đàm phán và kết quả của Hội nghị Giơnevơ nói chung, Hội nghị quân sự Trung Giã nói riêng; đồng thời đánh giá, nhìn nhận khách quan, khoa học về quan điểm và hành động của các bên tham gia hội nghị.
Hai là, tập trung làm sâu sắc hơn về tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh trong lãnh đạo, chỉ đạo đàm phán. Phân tích làm rõ công tác chuẩn bị, bảo đảm mọi mặt và những đóng góp của các địa phương, đơn vị, trong đó có cấp ủy, chính quyền và nhân dân Trung Giã, Sóc Sơn vào thành công của Hội nghị quân sự Trung Giã.
Ba là, làm rõ mục tiêu, nội dung và tiến trình Hội nghị quân sự Trung Giã trong vai trò phối hợp và giải quyết những vấn đề cơ bản của giải pháp ngừng bắn tại Việt Nam và Đông Dương do Hội nghị Giơnevơ đặt ra; nghiên cứu, bổ sung, phân tích làm rõ những nét độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật chỉ đạo và sách lược đấu tranh trên bàn đàm phán.
Bốn là, khẳng định giá trị, ý nghĩa, tầm quan trọng của Hội nghị Trung Giã; đúc rút những bài học kinh nghiệm và bài học lịch sử để vận dụng, phát huy trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Năm là, những vấn đề, nội dung khoa học được thảo luận và khẳng định tại Hội thảo sẽ là cơ sở để đề xuất giải pháp quy hoạch, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử cách mạng kháng chiến Trung Giã, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa xã hội và du lịch tại địa phương.
Phát biểu kết luận hội thảo, Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài cho biết, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 40 báo cáo, tham luận. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, đi sâu luận giải từng vấn đề, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về Hội nghị quân sự Trung Giã. Các tham luận được Ban Tổ chức tổng hợp, xuất bản thành kỷ yếu. Đây là tài liệu quý để nghiên cứu, tuyên truyền, học tập và giáo dục về lịch sử có giá trị.
Tiến sĩ Lê Thanh Bài cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng để củng cố, phát huy giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm của Hội nghị Trung Giã trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.