Kiểm soát nợ xấu, trích lập để đảm bảo an toàn ngân hàng
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 5-2024, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là 833,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2023.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,94%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu gồm cả nợ tiềm ẩn và cơ cấu lại duy trì ở mức 6,9%.
Về kết quả xử lý nợ xấu, trong 5 tháng đầu năm, toàn hệ thống xử lý được 96,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có hơn 47 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 5%, đã được các tổ chức tín dụng thu hồi, xử lý hoặc trích lập dự phòng rủi ro.
Các tổ chức tín dụng bán một phần nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Công ty này cho hay đã xử lý hơn 8.100 tỷ đồng trong số nợ mua lại của tổ chức tín dụng thông qua trái phiếu đặc biệt và theo giá thị trường.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, nợ xấu là hệ quả của cả quá trình, phát sinh sau 2 năm xảy ra dịch Covid-19 và yếu tố khách quan khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023. Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp xử lý tích cực, đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu, trích lập để đảm bảo an toàn ngân hàng.
Các ngân hàng khẳng định sẽ thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ vay, tìm cách đồng hành cùng doanh nghiệp để xử lý các khoản nợ xấu khó đòi. Đối với thị trường mua bán nợ, VAMC sẽ tập trung vận hành tốt hơn sàn giao dịch nợ, nơi tập trung cơ sở dữ liệu về các hoạt động mua bán nợ xấu trên toàn thị trường, cung cấp đầy đủ các nghiệp vụ về môi giới, tư vấn cho các nhà đầu tư quan tâm đến việc mua lại các khoản nợ xấu.