Đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học: Những lưu ý trước hạn cuối
Tới 17h ngày hôm nay (30-7), thí sinh trên cả nước phải hoàn thành việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.
Phổ điểm 9 môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay đều tăng, dự báo điểm chuẩn xét tuyển đại học cũng sẽ tăng. Thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về đề án tuyển sinh của trường mình dự định đăng ký để đặt nguyện vọng phù hợp.
Cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của từng trường
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, các chuyên gia có chung nhận xét, phổ điểm 9 môn của kỳ thi tăng hơn năm ngoái.
Đáng chú ý, phổ điểm của tổ hợp 5 khối xét tuyển đại học được các trường sử dụng nhiều nhất để tuyển sinh gồm: A00 (toán, vật lý, hóa học), A01 (toán, vật lý, tiếng Anh), B00 (toán, hóa học, sinh học), C00 (ngữ văn, lịch sử, địa lý) và D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh) - đều tăng. Nhiều thí sinh đặt câu hỏi, ở từng ngành, trường cụ thể thì mức điểm chuẩn tăng thế nào?
Nhằm giúp thí sinh thêm thông tin để đăng ký nguyện vọng phù hợp, nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội đã thông tin dự báo về mức điểm chuẩn. Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự báo mức điểm chuẩn từ 20,0 đến 35,5 điểm, tăng nhẹ so với năm 2023, trong đó mức điểm chuẩn cao nhất có thể là ngành khoa học máy tính và khoa học dữ liệu. Năm 2023, hai ngành này có điểm chuẩn lần lượt là 23,7 và 34,85 điểm.
Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) Nguyễn Đình Đức nhận định: Tỷ lệ bài thi đạt điểm giỏi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay cao hơn năm ngoái ở tất cả các môn. Nếu không có sự biến động lớn về chỉ tiêu dành cho việc xét tuyển theo điểm thi thì mức điểm chuẩn các ngành sẽ cao hơn năm trước từ 1,0 điểm trở lên. Dự báo, mức điểm chuẩn phổ biến ở các tổ hợp xét tuyển của trường năm nay từ 22,0 đến 23,0 điểm.
Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại Nguyễn Quang Trung cho biết, tất cả các tổ hợp xét tuyển của trường đều có môn toán, mà năm nay số lượng bài thi môn toán đạt 8,0 điểm trở lên không nhiều. Vì vậy, dự kiến mức điểm chuẩn đa số các ngành của trường năm nay cơ bản ổn định như năm ngoái, một số ít ngành có thể nhỉnh hơn không đáng kể.
Theo các chuyên gia, thí sinh đăng ký xét tuyển tổ hợp khối C00 năm nay cần lưu ý vì có thể mức độ gia tăng điểm chuẩn sẽ cao hơn các khối khác. Lý do, 63% trong tổng số gần 1,1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay làm bài thi tổ hợp khoa học xã hội. Đây cũng là con số lớn nhất trong 6 năm trở lại đây.
Đáng chú ý, điểm trung bình 3 môn thi (ngữ văn, lịch sử, địa lý) năm nay là 20,95 điểm (trong khi năm ngoái là 18,97 điểm). Mức điểm nhiều thí sinh đạt nhất năm nay là 23,0 điểm - với gần 81.000 thí sinh, trong khi năm ngoái mức điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 19,0 - với gần 78.500 thí sinh.
Để hiểu rõ mức độ tăng điểm chuẩn của từng ngành, trường, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của từng trường, so sánh với dữ liệu các năm trước về điểm chuẩn, chỉ tiêu..., từ đó đưa ra quyết định lựa chọn nguyện vọng phù hợp với điểm thi của mình.
Nhiều cơ hội cho thí sinh xét bằng điểm thi
Bên cạnh điểm chuẩn, câu hỏi được nhiều thí sinh quan tâm nhất thời điểm này là cơ hội trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông có giảm không khi mà hàng nghìn thí sinh đã được các trường thông báo trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm (bằng học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ kết hợp học bạ hoặc bằng điểm thi đánh giá năng lực).
Thực tế ghi nhận ở Ngày tư vấn xét tuyển đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 20-7 vừa qua tại Đại học Bách khoa Hà Nội cho thấy, hầu hết các trường đều dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Đơn cử, Trường Đại học Y Hà Nội dành khoảng 80% cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp; tỷ lệ chỉ tiêu của phương thức này ở Đại học Bách khoa Hà Nội là 50%... Giải tỏa mối lo của nhiều thí sinh, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, theo quy chế, các trường phải thực hiện đúng nội dung đề án tuyển sinh đã công bố về phương thức, chỉ tiêu của từng phương thức và các quy định liên quan đến xét tuyển, không có chuyện “cấu” chỉ tiêu ở phương thức này sang phương thức khác.
Trưởng phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng đào tạo, Trường Đại học Giao thông vận tải Nguyễn Thị Hòa cho biết, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của trường là 6.000 sinh viên, trong đó 4.500 chỉ tiêu cho phân hiệu tại Hà Nội, còn lại ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhà trường tuyển sinh theo 4 phương thức, song dành ưu tiên chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Năm nay, tỷ lệ chỉ tiêu dành cho phương thức này của mỗi ngành đều chiếm từ 75% đến 80% trong tổng chỉ tiêu.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, hiện nay có khoảng 65% số chỉ tiêu tuyển sinh đại học được xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Phương thức này nhằm bảo đảm công bằng, giúp thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ít có điều kiện tham gia vào các kỳ thi riêng nhưng vẫn có cơ hội xét tuyển đại học. Thời gian tới, Bộ sẽ yêu cầu các trường đại học tăng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.