Chính trị

Hội nghị quân sự Trung Giã - Khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong 30/07/2024 - 06:27

Hội nghị quân sự Trung Giã được tiến hành từ ngày 4 đến ngày 27-7-1954 tại đồi thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã, huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Đây là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng Chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp tại Đông Dương. Hội nghị là kết quả thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, trực tiếp là thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.

tong-tham-muu-truong-van-tien-dung-tai-hoi-nghi-quan-su-trung-gia-thang-7-1954.-anh-tu-lieu(1).jpg
Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng tại Hội nghị quân sự Trung Giã, tháng 7-1954. Ảnh tư liệu

Để phục vụ, bảo vệ an toàn cho hội nghị, quân và dân huyện Sóc Sơn, lực lượng dân quân, du kích xã Trung Giã được giao nhiệm vụ tuần tra, canh gác, tuyên truyền, vận động nhân dân các thôn xóm bảo đảm tốt an ninh, trật tự trong thời gian diễn ra hội nghị. Sau hơn hai mươi ngày đàm phán, kết quả của hội nghị đã góp phần cho sự thành công của Hiệp định Geneva, giải quyết vấn đề ngừng bắn, trao trả tù binh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn phải đối phó với các thế lực ngoại xâm và tiến hành nhiều cuộc chiến tranh giữ nước để bảo vệ nền độc lập, tự do. Vì vậy, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do luôn thấm nhuần trong tư tưởng, huyết mạch mỗi người dân Việt Nam, được nuôi dưỡng và trao truyền qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Mỗi khi đất nước bị xâm lăng, ý chí, quyết tâm chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do lại được nhân lên gấp bội, tạo thành sức mạnh vô địch đưa đất nước, dân tộc vượt qua những thử thách ngặt nghèo, giữ vững độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất Tổ quốc.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong tình thế thù trong, giặc ngoài, vận mệnh của chính quyền cách mạng mới được thành lập như “ngàn cân treo sợi tóc”, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chèo lái con thuyền đất nước vượt qua nhiều thác ghềnh, nỗ lực bảo vệ nền độc lập, tự do vừa mới giành được. Bằng những nỗ lực ngoại giao tài tình, linh hoạt, mềm dẻo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thực hiện nhân nhượng có nguyên tắc với kẻ thù, nhiều lần thể hiện thiện chí nhằm kiến tạo hòa bình, tránh mọi cuộc xung đột, chiến tranh với Pháp, ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) và Tạm ước Việt - Pháp (14-9-1946). Nhưng “Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”[1]. Dã tâm xâm lược của thực dân Pháp đã thổi bùng ngọn lửa chiến tranh, điều mà dân tộc Việt Nam không bao giờ mong muốn. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam, với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[2], đã kiên quyết đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính, lần lượt đánh bại các kế hoạch xâm lược của thực dân Pháp.

Sau khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục tìm kiếm và tranh thủ cơ hội kiến tạo hòa bình, tìm kiếm đồng minh và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Pháp cũng như nhân dân tiến bộ trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa mà nhân dân Việt Nam buộc phải tiến hành.

Trong bức thư đề ngày 7-1-1947 gửi Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố rõ chủ trương, thiện chí hợp tác với phía Pháp: “Nhân dân Việt Nam chỉ muốn có hòa bình, một nền hòa bình thực sự, để kiến thiết quốc gia với sự cộng tác của những người Pháp chân chính”[3]. Tiếp đó, ngày 18-2-1947, trong Thư gửi Chính phủ và nhân dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nêu rõ lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Chúng tôi muốn độc lập và thống nhất trong khối Liên hiệp Pháp; chúng tôi muốn hòa bình, một nền hòa bình hợp công lý làm vinh dự cho cả nước Pháp và nước Việt Nam”[4].

Trong bối cảnh cuộc chiến tranh ngày càng mở rộng và quyết liệt, ngày 12-5-1947, tại thị xã Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp Giáo sư Paul Mus, đại diện của Cao ủy Pháp Bollaert để trao đổi về điều kiện ngừng bắn của hai phía Việt - Pháp. Tại cuộc gặp, Người nêu rõ quan điểm của Việt Nam: “Chúng tôi muốn hòa bình, nhưng không phải là hòa bình với bất cứ giá nào! Mà phải là hòa bình trong độc lập, tự do”[5].

Tuy nhiên, tất cả các nỗ lực kiến tạo hòa bình của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều bị Chính phủ Pháp khước từ. Thực dân Pháp tưởng rằng có thể nhanh chóng đè bẹp cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do của nhân dân ta bằng chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”. Nhưng không, cuộc kháng chiến toàn quốc của nhân dân ta không những không bị đè bẹp mà ngày càng lớn mạnh. Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 đã đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của kẻ thù, buộc chúng phải chuyển sang đánh kéo dài, thực hiện âm mưu thâm độc “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.

Thực hiện đường lối kháng chiến của Đảng, quân và dân ta tiến hành chiến tranh du kích rộng khắp, từ du kích chiến tiến dần lên vận động chiến. Đến năm 1950, để đưa cuộc kháng chiến phát triển sang giai đoạn mới có lợi cho ta, quân và dân ta đã mở và giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Biên giới (16/9/1950 - 14/10/1950). Với chiến thắng này, ta đã xóa sổ Liên khu biên giới Đông Bắc của địch; giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, khai thông liên lạc với cách mạng Trung Quốc; góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện chiến tranh: Ta bước sang giai đoạn chiến lược phản công và tiến công, Pháp chuyển dần sang chiến lược phòng ngự; đồng thời đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Biên giới, quân và dân ta tiếp tục giành những thắng lợi quan trọng, tiêu biểu là các chiến dịch Hòa Bình (1951-1952), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953). Trong khi đó, thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động và thất bại. Tuy nhiên, với bản chất thực dân hiếu chiến, thực dân Pháp muốn tìm cách thoát khỏi chiến tranh đang có nguy cơ thất bại trong danh dự. Từ mùa hè năm 1953, được sự giúp sức của Mỹ, thực dân Pháp thực hiện Kế hoạch Nava, đẩy mạnh quy mô cuộc chiến tranh xâm lược, tập trung lực lượng xây dựng các binh đoàn chủ lực cơ động nhằm giành lại quyền chủ động trên chiến trường.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình, tháng 9-1953, tại Định Hóa (Thái Nguyên), Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp thông qua Kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, nhằm làm thất bại Kế hoạch Nava của thực dân Pháp. Đầu tháng 12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp các chiến trường Đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ, Tây Bắc, Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó; đồng thời tập trung cố gắng cao nhất giành thắng lợi quyết định ở Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ trở thành nơi hội tụ sức mạnh toàn dân tộc nhằm đánh bại thực dân Pháp xâm lược, thực hiện khát vọng hòa bình Việt Nam.

Trong khi tập trung sức mạnh toàn dân tộc, quyết tâm tiến công tiêu diệt địch, đập tan Kế hoạch Nava, đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng tán thành thương lượng để giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam. Đầu tháng 11-1953, chủ bút báo Expressen (Thụy Điển) gửi điện phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh về triển vọng giải quyết hòa bình vấn đề chiến tranh ở Việt Nam. Ngày 26-11-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời, nêu rõ nguyên nhân và tình hình cuộc chiến tranh ở Việt Nam; tuyên bố lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam. Người nêu rõ: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là do Chính phủ Pháp gây ra. Nhân dân Việt Nam phải cầm vũ khí anh dũng chiến đấu bảy, tám năm nay chống kẻ xâm lược chính để bảo vệ nền độc lập và quyền tự do được sống hòa bình. Hiện nay nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”[6]. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh nguyên tắc: “Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”[7].

Nội dung trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tiếng vang lớn ở trong nước và trên thế giới, mở hướng đi tới cuộc thương lượng hòa bình ở Hội nghị Geneva năm 1954.

Tiếp theo, ngày 2-12-1953, Trung ương Đảng ra chỉ thị, khẳng định lập trường của phái đoàn Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Hội đồng hòa bình thế giới ở Viên (Áo) là: “Nhân dân Việt Nam từ trước đến nay vẫn chủ trương chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam và giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam bằng phương sách thương lượng hòa bình”[8]. Ngày 27-12-1953, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông tri về Lời Tuyên bố của Chủ tịch với nhà báo Thụy Điển, nhấn mạnh: “Chủ trương của Đảng và Chính phủ ta muốn kết thúc cuộc chiến tranh bằng đàm phán hòa bình… Vấn đề Việt Nam vẫn có thể giải quyết bằng cách thương lượng hòa bình. Chủ trương của ta là “Ngọn cờ hòa bình phải do ta nắm lấy và giương cao lên”[9].

Chủ trương của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, cũng như cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đang tiến hành được dư luận thế giới bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ, bởi đó là cuộc kháng chiến chính nghĩa chống thực dân, đế quốc xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Dư luận quốc tế yêu cầu mở hội nghị để bàn về việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trương mở cuộc tiến công trên mặt trận ngoại giao để phối hợp với kế hoạch tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954.

Khi chiến dịch Điện Biên Phủ đang diễn ra cũng như khi đã kết thúc thắng lợi, Đảng đã triệt để khai thác ảnh hưởng từ những chiến thắng trên chiến trường, đặc biệt là thắng lợi “vang dội năm châu, chấn động địa cầu” Điện Biên Phủ (7-5-1954), lấy đó làm cơ sở và chỉ đạo việc thực hiện đàm phán tại Hội nghị Geneva. Trung ương Đảng ta chủ trương: “Phải tranh thủ một thời gian ngắn, đi đến ký kết Hiệp định đình chiến với Chính phủ Măngđét Phơrăngxơ. Không bỏ lỡ cơ hội tốt, không để cho đế quốc Mỹ và hiếu chiến Pháp lợi dụng chỗ kéo dài của Hội nghị Geneva mà gây tâm lý bi quan, thất vọng và phá hoại đàm phán. Nhưng đồng thời phải khắc phục tư tưởng thỏa hiệp cốt mau đạt được Hiệp định đình chiến cho xong chuyện”[10].

Một ngày sau chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneva khai mạc (8-5-1954) bàn về vấn đề đình chỉ chiến sự ở Đông Dương. Cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán diễn ra căng thẳng, quyết liệt. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn đàm phán, tuyên bố lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về lập lại hòa bình ở Đông Dương là giải pháp toàn bộ về chính trị và quân sự cho cả Việt Nam, Lào, Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương. Để hiện thực hóa chủ trương của Hội nghị Geneva, cụ thể là thỏa thuận ngày 17-5-1954 giữa Trưởng đoàn đại biểu Pháp Măngđét Phrăngxơ và Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Phạm Văn Đồng, trong phiên họp thứ 8 ngày 29-5, hai bên đã thông qua việc đại diện Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội hai nước Việt Nam và Pháp gặp nhau để bàn vấn đề bố trí lực lượng quân sự theo thỏa thuận đình chiến, bắt đầu bằng phân vùng tập kết quân đội hai bên ở Việt Nam. Theo đó, từ ngày 4-7-1954, Hội nghị giữa đại diện Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội hai nước Việt Nam và Pháp được tổ chức tại Trung Giã bàn về việc thực hiện những vấn đề đã thỏa thuận ở Hội nghị Geneva. Đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng, làm Trưởng đoàn. Đoàn đại biểu Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp do Đại tá Lennuyơ, làm Trưởng đoàn. Những nội dung được bàn bạc và thống nhất tại Hội nghị bao gồm: Tất cả các vấn đề quân sự do Hội nghị Geneva đặt ra; biện pháp thực hiện những vấn đề Hội nghị Geneva thỏa thuận và những vấn đề quân sự do tình hình thực tế tại chỗ đặt ra. Ngoài ra, hai bên thỏa thuận một chương trình sẽ tiếp tục bàn bạc, bao gồm các vấn đề về tù binh; thực hiện ngừng bắn; điều chỉnh khu vực tập kết quân đội; thành lập Ủy ban liên hợp quân sự Việt - Pháp và những vấn đề khác nếu thấy cần thiết.

Hai ngày sau khi Hội nghị quân sự Trung Giã khai mạc, ngày 6-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam về triển vọng của Hội nghị Geneva, khẳng định: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ tiếp tục cố gắng đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của Tổ quốc. Đồng thời, chúng ta phải có tinh thần cảnh giác rất cao đối với âm mưu của đế quốc Mỹ định cản trở hai bên đi đến Hiệp định đình chiến và mưu mô lập khối liên minh quân sự có tính chất xâm lược”[11].

Trải qua 75 ngày đàm phán căng thẳng (từ ngày 8-5 đến 21-7-1954), Hiệp định Geneva được ký kết. Lúc này, nhiệm vụ của Hội nghị quân sự Trung Giã là tập trung bàn thảo những biện pháp thực hiện các quy định của Hiệp định Geneva về ngừng bắn ở Bắc Bộ (27-7-1954), Trung Bộ (1-8-1954), Nam Bộ (11-8-1954), Lào (6-8-1954) và ở Campuchia (7-8-1954). Ngày 27-7-1954, Hội nghị quân sự Trung Giã kết thúc, hai đoàn đàm phán chuyển thành Ủy ban Liên hợp Trung ương, là cơ quan thi hành Hiệp định Geneva. Ngày 29-7, Ủy ban Liên hợp Trung ương bắt đầu làm việc ở Trung Giã, sau đó chuyển về Phù Lỗ, rồi về Bắc Ninh và Hải Dương. Đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong quá trình đàm phán, vững vàng về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, góp phần to lớn vào việc đình chỉ chiến sự với phía Pháp, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương.

Hội nghị quân sự Trung Giã có ý nghĩa lịch sử to lớn. Nếu như Hội nghị Geneva đưa ra giải pháp toàn bộ nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, thì Hội nghị quân sự Trung Giã bàn bạc và thỏa thuận những biện pháp cụ thể, hiện thực hóa những quy định của Hội nghị Geneva về thực hiện ngừng bắn, tập kết chuyển quân, trao trả tù binh và thường dân bị bắt; đồng thời kiến nghị những vấn đề liên quan gửi đến Hội nghị Geneva, đặc biệt là chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết để thực hiện ngừng bắn đúng quy định của Hiệp định Geneva, tạo cơ sở cho Ủy ban Liên hợp Trung ương hoạt động, tiếp tục giải quyết những vấn đề hai bên đã thỏa thuận. Trong diễn văn bế mạc Hội nghị, Thiếu tướng Văn Tiến Dũng đã nêu rõ: “Hội nghị quân sự Trung Giã đã khai mạc giữa lúc tiếng súng còn nổ khắp nơi. Hôm nay, khi bế mạc Hội nghị, tiếng súng ở Bắc Bộ đã ngừng và chúng tôi tin rằng không bao lâu nữa, tiếng súng cũng sẽ im trên toàn lãnh thổ ba nước Việt Nam, Khmer, Lào. Hòa bình bắt đầu được lập lại ở Đông Dương, đem lại sự vui mừng cho nhân dân ba nước Đông Dương, nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới”[12].

Có thể nói, Hội nghị quân sự Trung Giã đã góp phần hiện thực hóa khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Với truyền thống đấu tranh quật cường chống xâm lược nhưng cũng thiết tha mong muốn hòa bình, Việt Nam luôn coi chiến tranh là sự lựa chọn cuối cùng để tự vệ. Khi có cơ hội thương lượng, đàm phán, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn tranh thủ từng cơ hội dù là nhỏ nhất. Với Hội nghị Geneva và Hội nghị quân sự Trung Giã, mục đích chính trị của kháng chiến bước đầu đã đạt được, đó là giành lại độc lập, tự do và kiến tạo hòa bình. Đây là cơ sở, tiền đề để Đảng ta tiếp tục đề ra đường lối, chủ trương nhằm bảo vệ độc lập, thống nhất, hòa bình và phát triển, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta giành những thắng lợi mới trong những giai đoạn tiếp sau.

70 năm đã trôi qua, từ Hội nghị Trung Giã đến nay, nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Thủ đô nói riêng đã luôn thể hiện ý chí, khát vọng hòa bình, chủ động, sáng tạo, tận dụng thời cơ thuận lợi, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã đạt được những thành tựu to lớn trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, văn hóa xã hội, quốc phòng - an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng… Hình ảnh, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao đối với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Thủ đô Hà Nội được thế giới tôn vinh “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; UNESCO vinh danh “Thành phố Vì hòa bình” năm 1999; Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng” năm 2000, ba lần nhận Huân chương Sao vàng vào các năm 1984, 2004 và năm 2010, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2014 và Huân chương Độc lập hạng nhất năm 2018.

Thủ đô Hà Nội với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng “Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước”. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô phát huy truyền thống lịch sử, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của thành phố, xứng đáng với niềm tin của nhân dân cả nước, xứng đáng với truyền thống Thủ đô ngàn năm Văn hiến - Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

______

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, 5, 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

- Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018

- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 14, 15 Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

- Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội 1930-2000, Nxb Hà Nội 2004.

- Lưu Văn Lợi, Hội nghị quân sự Trung Giã và Hiệp định Geneva về Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia - sự thật 2012.

- Tạp chí Lịch sử quân sự, số 9-2014, Hội nghị Quân sự Trung Giã, Trần Văn Thức.

________

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.534.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.534.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.14.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.66.

[5] Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018, tr.438.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.340.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.340.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.520.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.553.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.185.

[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.537.

[12] Lưu Văn Lợi, Hội nghị quân sự Trung Giã và Hiệp định Geneva 1954 về Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.48.