Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài: Bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân vùng mưa lũ
Chiều 29-7, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cùng Đoàn công tác của thành phố đi thăm, động viên và kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn 2 huyện Chương Mỹ và Quốc Oai.
Tham gia Đoàn có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của thành phố và 2 huyện.
Hai huyện Chương Mỹ và Quốc Oai tập trung khắc phục hậu quả
Báo cáo với Đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức cho biết, do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn huyện có mưa, lượng mưa đo được từ 7 giờ ngày 22-7 đến 7 giờ ngày 29-7 là 406,1mm. Tính đến 7 giờ ngày 29-7, mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt là 7,40m (cao hơn báo động 3 là 0,40m); mực nước sông Đáy tại Ba Thá 6,30m (dưới mức báo động 3 là 0,3m); mực nước các hồ: Hồ Miễu 39,55/39,5m; Đồng Sương 18,35/18,2m; Văn Sơn 19,55/19,5m.
Cũng tính đến thời điểm trên, mưa lũ làm vỡ 2 vai đập (tại xã Nam Phương Tiến và xã Tân Tiến), làm hư hỏng 601m kênh (tại các xã: Hồng Phong, Phú Nghĩa, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến) và 103 cầu, cống, đập nhỏ...
Có tổng số 4.805m đê bị ngập nước (từ 0,2-90cm) thuộc địa bàn 11 xã; 1 mạch sủi dài 200m tại đê Hữu Bùi đoạn qua thôn Đừn, xã Tốt Động. Mưa lớn còn khiến 141.450m đường giao thông nội đồng bị ngập; 407m đường giao thông nội đồng bị sạt lở; 34.240m đường giao thông nông thôn bị ngập.
Bên cạnh đó, có 24 thôn, xóm bị ngập, với 1.343 hộ bị ngập từ 0,5-2m; 1.501 hộ bị ngập lối đi. Diện tích lúa bị thiệt hại trên 70% là 715 ha; thiệt hại từ 30-70% là 444 ha. Diện tích cây ngô, rau màu các loại bị thiệt hại trên 70% là 242 ha; thiệt hại từ 30-70% là 86 ha. Diện tích thủy sản bị thiệt hại trên 70% là 1.540 ha; thiệt hại từ 30-70% là 162 ha…
Qua thống kê sơ bộ, thiệt hại do ảnh hưởng bão số 2 ước tính khoảng 92 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Anh Đức cho biết, toàn huyện đã tập trung thực hiện công tác cứu hộ, đảm bảo đời sống, an ninh trật tự. Trong đó, huyện đã huy động 4.721 người và 199 phương tiện tham gia; sử dụng 6.028m3 đất, cát; 52.675 bao tải; 180m2 bạt nilon để đắp chống tràn 2.000m đê tại các đê; xử lý 200m mạch sủi tại đê Hữu Bùi, xã Tốt Động và di dời người dân.
Ngoài ra, Xí nghiệp Đầu tư và khai thác công trình thủy lợi đã vận hành 17 trạm với 64 máy bơm. UBND huyện đã tổ chức cấp phát hơn 1.500 bình nước uống (loại 20L) và 50 thùng mì tôm tại các vùng ngập nặng; lắp đặt téc và cung cấp nước sạch tập trung tại 10 điểm; bố trí 1 trạm y tế lưu động trên địa bàn xã Nam Phương Tiến…
Để khắc phục những khó khăn, giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra, ổn định đời sống người dân, huyện Chương Mỹ đề nghị thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng UBND huyện Chương Mỹ và các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng một chương trình, dự án tổng thể để đánh giá, đưa ra giải pháp khắc phục mang tính lâu dài và bền vững.
Ngoài ra, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng Ban quản lý dự án Hạ tầng nông nghiệp Hà Nội và UBND huyện Chương Mỹ rà soát các công trình đê điều, thủy lợi do thành phố quản lý để có phương án đầu tư xây dựng, nâng cấp cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án do Ban quản lý dự án đang triển khai xây dựng trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Đồng thời, đề nghị UBND thành phố xem xét hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra cho huyện…
Tại huyện Quốc Oai, tổng lượng mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 2 từ ngày 22 đến 29-7 là 479mm. Đến 11 giờ ngày 29-7, trên địa bàn huyện có 789ha diện tích cây trồng nông nghiệp bị ngập. Các tuyến đường vẫn trong tình trạng ngập gồm: Cầu Tân Phú, cầu Đại Thành vẫn ngập sâu 0,4m; tỉnh lộ 421B đoạn từ thôn Cấn Thượng đi Đông Yên ngập sâu 1m; tại cầu 72 II thuộc địa phận xã Cộng Hoà ngập sâu 0,5m. Ngày 24-7, tuyến đê hữu Đáy có 4 sự cố sạt trượt mái đê.
Đối với thiệt hại về tài sản, có một công trình gồm nhà ở 1 tầng, diện tích khoảng 160m2, công trình phụ diện tích khoảng 230m2 của một hộ gia đình bị sập do sạt lở đất, không có thiệt hại về người. Hiện tại, các thành viên trong gia đình đã di dời đến nơi an toàn, UBND huyện đã hỗ trợ gia đình 30 triệu đồng. UBND xã, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn xã Phú Mãn đã huy động lực lượng ứng trực 24/24 giờ để đảm bảo an toàn trong khu vực, ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố tiếp theo.
Đối với công tác hỗ trợ, đảm bảo đời sống nhân dân, UBND huyện, MTTQ Việt Nam huyện Quốc Oai và các đoàn thể đã hỗ trợ 119 suất, mỗi suất gồm 10kg gạo, 5 thùng mỳ tôm, 5 thùng 20 lít nước uống.
Phải đặt tính mạng của người dân lên trên hết
Kiểm tra thực tế tại thôn Tân Tiến, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) và xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài biểu dương và đánh giá cao tinh thần chủ động chống lũ lụt của lãnh đạo các huyện cũng như các lực lượng chức năng trên địa bàn.
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài ghi nhận sự chủ động của hai huyện trong việc sơ tán người dân, gia súc, gia cầm nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do lũ lụt gây ra. Hai huyện đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” cùng với sự tham gia chung sức của nhân dân để khắc phục hậu quả mưa lũ.
Đối với huyện Chương Mỹ, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh, vẫn còn hơn 1.000 hộ dân đang ở trong vùng lũ nên huyện cần tính toán kỹ và tiếp tục sơ tán để bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân.
“Trường hợp không vận động được, phải báo cáo các sở, ban, ngành... Phải đặt tính mạng của người dân lên hàng đầu”, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh.
Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo tốt, phát huy tinh thần “Lá lành đùm lá rách” để hỗ trợ các hộ dân vùng ngập úng. Tuy nhiên, về lâu dài, phải tính đến phương án đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chỗ ở, quan tâm đến người già, cô đơn, yếu thế, người tàn tật...
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài lưu ý, đối với 4,8km đê có nguy cơ suy yếu trên địa bàn huyện Chương Mỹ, lãnh đạo huyện phải khảo sát kỹ và báo cáo kịp thời lãnh đạo thành phố; đồng thời bám sát tình hình trên quan điểm “tính mạng người dân là trên hết” để tập trung chỉ đạo.
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu, khi nước rút, hai huyện Chương Mỹ và Quốc Oai khẩn trương chỉ đạo ổn định sớm cuộc sống cho người dân; quan tâm công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Hai huyện phân công lực lượng chức năng ứng trực 24/24 để xử lý kịp thời các sự cố do mưa lũ, không bị động trước các tình huống.
"Chiều 30-7, Thường trực Thành ủy sẽ họp với các ngành để có sự phối hợp, giúp các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra", đồng chí Bí thư Thành ủy cho biết.