Hà Nội: Tập trung các giải pháp nâng cao chỉ số hài lòng của người bệnh
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 3419/KH-SYT về nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với chất lượng, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tập trung thực hiện nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế ở tất cả các khoa, phòng.
Trước hết, tại khoa khám bệnh bảo đảm quy trình khám bệnh theo dây chuyền một chiều, thuận tiện, liên hoàn với bộ phận xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh và quản lý được thông tin, dữ liệu khám bệnh.
“Tránh chỉ định điều trị nội trú trong các trường hợp không cần thiết nhằm giảm gánh nặng phục vụ, giảm chi phí của người bệnh. Thường xuyên lấy ý kiến đóng góp của người bệnh và người nhà người bệnh tại các đơn vị bằng nhiều hình thức như: Hòm thư góp ý, sổ góp ý, điện thoại đường dây nóng, họp hội đồng người bệnh, phiếu phỏng vấn trực tiếp...”, Sở Y tế thành phố lưu ý.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc… tại khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc, bộ phận cấp cứu của các khoa lâm sàng luôn sẵn sàng, đầy đủ theo quy định; tuân thủ quy trình “Báo động đỏ” nội viện, ngoại viện; phòng ngừa các sự cố y khoa.
Còn tại khoa Gây mê hồi sức, bố trí các phòng một chiều theo quy định. Tại phòng mổ, mỗi phòng bảo đảm có đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, thuốc, hệ thống ô xy, khí nén, máy hút chân không, máy mê kèm thở, mornitor, bơm tiêm điện…
Tại các khoa lâm sàng cần nâng cao năng lực cấp cứu, hoàn thiện đơn vị cấp cứu của khoa. Thực hiện tốt các kỹ thuật thường quy, danh mục kỹ thuật theo phân tuyến và triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao để nâng cao chất lượng điều trị. Hỗ trợ người bệnh hoàn thiện các thủ tục hành chính; hạn chế phải nằm ghép; đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho người bệnh…
Tại khoa Xét nghiệm, cần tuân thủ các quy định của Bộ Y tế về quản lý chất lượng xét nghiệm, chất lượng phòng xét nghiệm, bảo đảm an toàn sinh học… Phân công rõ cán bộ đảm nhiệm các khâu trong quá trình xét nghiệm và trả kết quả, gắn trách nhiệm cán bộ thực hiện kỹ thuật với chất lượng kết quả xét nghiệm, thực hiện công tác nội kiểm, ngoại kiểm theo quy định.
Đối với phòng điều dưỡng cần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh, đặc biệt là quy định về giao tiếp, ứng xử…
Khoa hoặc tổ kiểm soát nhiễm khuẩn của các đơn vị, Sở Y tế yêu cầu thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, góp phần giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm. Còn khoa hoặc tổ dinh dưỡng của các bệnh viện áp dụng các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ người bệnh ngoại trú được sàng lọc, tư vấn, chỉ định chế độ dinh dưỡng; người bệnh nội trú được khám, chẩn đoán, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, chỉ định điều trị và theo dõi tình trạng dinh dưỡng.
Trong quý II-2024, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh ở 41/42 bệnh viện công lập và 40/43 bệnh viện ngoài công lập. Kết quả cho thấy, mức độ hài lòng chung của người bệnh, người dân đối với khối bệnh viện là 97,2%; ở bệnh nhân nội trú là 96,63%, người bệnh ngoại trú là 96,74%. Kết quả khảo sát người bệnh ngoại trú đến khám, chữa bệnh tại các phòng khám đa khoa và trạm y tế của 30 Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã và Trung tâm cấp cứu 115 đạt tỷ lệ hài lòng trung bình là 95,76%.