Chính trị

“Ăn cơm nhà vác tù và” trong thời đại sốBài cuối: Luồng gió "mới" hứa hẹn thành công mới

Nguyên Hoa 30/07/2024 10:46

Đổi mới cách làm, chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ của công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay.

Ở góc nhìn khác, chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận là chìa khóa mở cánh cửa đồng thuận trong cộng đồng cư dân, góp phần giải quyết những vấn đề khó, vấn đề mới đặt ra từ thực tế phát triển. Nhiều định hướng, giải pháp đang được Hà Nội đặt ra xoay quanh vấn đề này với kỳ vọng những luồng gió "mới" sẽ tạo ra thành công mới.

638488937826570964-qua.jpg
Công tác an sinh xã hội luôn được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố quan tâm.

Đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động

Thực tế cho thấy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò ngày càng quan trọng góp phần củng cố, mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, chăm lo đời sống người dân. Vì vậy, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng gắn bó thường xuyên, mật thiết, vì quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân, tập trung hướng mạnh về cơ sở, sâu sát với đời sống của người dân, của cộng đồng vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ.

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) vào cuộc sống là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi có sự tham gia tích cực của Mặt trận các cấp.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong. Ảnh: Đình Hiệp

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, thời gian tới phải tiếp tục nâng cao nhận thức một cách thực chất của cấp ủy Đảng các cấp đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc cũng như các tổ chức chính trị - xã hội. Đối với Mặt trận Tổ quốc, cần không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển hiện nay. Đồng thời, tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động; làm tốt công tác tham mưu thành phố về vấn đề dân vận.

“Làm thế nào để mỗi người dân cũng như mỗi gia đình trên địa bàn Thủ đô phát huy được hào khí Thăng Long, khát vọng cống hiến, đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của hệ thống MTTQ các cấp thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội”.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong

Để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức đại diện cho các tầng lớp nhân dân Thủ đô, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Sỹ Trường cho biết: “Mặt trận đang đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở; phát huy quyền chủ động, sáng tạo trong công tác vận động nhân dân phù hợp với đặc điểm địa phương, đơn vị”.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường. Ảnh: Đình Hiệp

Cùng với đó, Mặt trận tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, cuộc vận động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn thành phố; củng cố, làm tốt vai trò là trung tâm khối đại đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội để tập hợp được người dân và toàn thể tổ chức chính trị cùng vào cuộc với sự phát triển chung của thành phố”.

Theo kế hoạch Chuyển đổi số, xây dựng quận Bắc Từ Liêm thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, quận tập trung phát triển kinh tế số và xã hội số toàn diện trong tất cả các lĩnh vực với 44 chỉ tiêu cụ thể, trong đó có 134 chỉ tiêu về xã hội số, 5 chỉ tiêu về số hóa và lưu trữ điện tử.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Bắc Từ Liêm khen thưởng 5 tập thể, 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động giai đoạn 2021-2025.

“Để hoàn thành mục tiêu này, quận sẽ phổ cập kỹ năng số cho cán bộ từ quận đến cơ sở, trong đó, đội ngũ cán bộ Mặt trận đóng vai trò quan trọng. Từ đó, cán bộ Mặt trận sẽ phối hợp với cơ quan chức năng phổ cập kỹ năng số cho nông dân và hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp, tham gia vào phát triển kinh tế số, xã hội số”, Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà cho biết.

Trong nhiệm kỳ 2019-2024, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Mỹ Đức đã vận động nhân dân, doanh nghiệp tự nguyện đóng góp, ủng hộ gần 151 tỷ đồng, hiến 5.475m2 đất thổ cư, 537.900m2 đất nông nghiệp, 232.450 ngày công lao động... để mở rộng đường làng, ngõ xóm, xây dựng các công trình phúc lợi.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tổ chức thành viên của huyện đã vận động được gần 8,8 tỷ đồng hỗ trợ xây mới, sửa nhà đại đoàn kết cho 334 hộ nghèo… Những kết quả trên đã góp phần quan trọng đưa 21 xã, thị trấn và huyện Mỹ Đức về đích nông thôn mới trước kế hoạch.

Đổi thay ở xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức) gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Anh Dũng khẳng định, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện sẽ tạo mọi điều kiện để Mặt trận tiếp tục tập hợp ngày càng rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, cầu nối vững chắc giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Trẻ hóa, chuyên nghiệp hóa đội ngũ

Hướng mạnh về cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, Mặt trận thành phố đang từng bước khắc phục những tồn tại trong công tác cán bộ, tập trung trẻ hóa nhân lực và bồi dưỡng trình độ, bảo đảm cán bộ được dân quý, dân tin.

z5670628466821_c9739b488e620a667010c09c0937d217.jpg
Hội thi "Cán bộ Mặt trận giỏi" là "sân chơi" cho đội ngũ cán bộ Mặt trận Thủ đô.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thời cơ và thách thức đan xen, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

“Mặt trận các cấp thành phố luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để đội ngũ cán bộ Mặt trận yên tâm làm việc, phấn đấu, phát huy năng lực, sở trường, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận “3 tác phong, 5 phương pháp” và “7 dám”: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, đủ đức, đủ tài, có uy tín cao, cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, xây dựng tập thể đoàn kết, có khát vọng, nỗ lực vươn lên”, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương khẳng định.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương.

Tại quận Ba Đình, đội ngũ cán bộ Mặt trận trong độ tuổi 35-50 chiếm đa số. Để hỗ trợ cán bộ trẻ, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận thường xuyên tập huấn phương pháp, cách thức vận động tuyên truyền. “Địa phương nào gặp khó khăn, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận đều xuống tận nơi cùng Đảng, chính quyền tháo gỡ. Đồng thời, tham mưu Thường trực Quận ủy, có sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy cơ sở tạo mọi điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường hoạt động”, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Ba Đình Đỗ Thị Duy Nhiên chia sẻ.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận cán bộ Mặt trận cấp quận, huyện, thị xã, thành phố được đào tạo bài bản, được thuyên chuyển, điều động về làm cán bộ chuyên trách nên còn hạn chế trong công tác Mặt trận. Theo TS. Tạ Văn Sỹ, nguyên Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hiện việc tuyển dụng cán bộ Mặt trận chuyên trách ở các địa phương do Ban Tổ chức cấp ủy cùng cấp tham mưu thực hiện.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp chưa được quyền chủ động trong lựa chọn cán bộ phù hợp với điều kiện công tác của đơn vị. Do đó, cần phân cấp cho Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ động tuyển người phù hợp năng lực, sở trường, vị trí việc làm. Ngoài ra, trong công tác đào tạo cán bộ Mặt trận, việc bồi dưỡng lý luận cơ bản chưa được thực hiện một cách hệ thống, khoa học cho tất cả cán bộ chuyên trách; chưa có tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác cho cán bộ chuyên trách theo yêu cầu công việc. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến cán bộ chuyên trách Mặt trận yếu về lý luận chuyên ngành và kỹ năng nghiệp vụ công tác.

Muốn làm tốt công tác Mặt trận trước hết phải có kỹ năng xây dựng chương trình hoạt động, kỹ năng tham mưu, tuyên truyền, giám sát và phản biện. Cơ sở nào cũng có những mô hình thiết thực, nên cán bộ Mặt trận phải dám nói, dám làm. Tuy nhiên, có một thực tế là, kỹ năng này của cán bộ Mặt trận cấp xã, phường còn hạn chế bởi họ là cán bộ bán chuyên trách, thu nhập thậm chí không bằng cán bộ tổ dân phố.

Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) Phạm Minh Hải đưa ra giải pháp: “Cần có sự quan tâm hơn đến cán bộ chuyên trách Mặt trận cấp xã, phường trong việc đào tạo nghiệp vụ để nâng cao chất lượng. Đặc biệt, thực tế cho thấy, chức danh cán bộ chuyên trách Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường và Trưởng ban công tác Mặt trận không nên kiêm nhiệm, bởi rất nhiều việc, hiệu quả không cao; đồng thời Trưởng ban công tác Mặt trận không nên quá 65 tuổi”.

Hiểu và “bắt” đúng những điểm nghẽn trong quá trình hoạt động, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đang có sự đổi mới về tư duy, sử dụng cán bộ, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tạo ra sức bật mới góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, để mỗi cán bộ phát huy được vai trò của “người đi xây” khối đại đoàn kết, đồng thời khẳng định rõ vai trò của Mặt trận trong mọi thời điểm, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân và cấp ủy, chính quyền.

Hà Nội có 4.899 ban Công tác Mặt trận, trong đó có 3.760 Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận. Để đáp ứng ngày càng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, Mặt trận các cấp đã tổ chức 900 lớp tập huấn cho 50.200 cán bộ.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc các cấp nhiệm kỳ 2024-2029 là tiền đề thay đổi phương thức tổ chức hoạt động của hệ thống và cán bộ Mặt trận. Mặt trận từ cấp xã chú trọng phát huy hiệu quả nền tảng số, các trang Fanpage. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ cấp huyện trở lên cử cán bộ có trình độ, hiểu biết về công nghệ thông tin để duy trì trang Fanpage, cập nhật thông tin kịp thời. Khuyến khích Mặt trận các địa phương đầu tư công nghệ hiện đại phục vụ họp trực tuyến, phát trực tiếp hoạt động của Mặt trận và quảng bá hình ảnh, hàng hóa, nông sản của địa phương…

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương